Công nhân làm việc tại nhà máy ở Rushan, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc ngày 12/11/2015. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo WB, tổng khối lượng trao đổi hàng hóa trên toàn cầu trong năm 2015 chỉ tăng 1,7%, giảm đáng kể so với mức tăng 3% của năm trước đó. Tình hình ảm đạm của hoạt động thương mại phần lớn bắt nguồn từ sự biến đổi mang tính chu kỳ, nhất là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa yếu kém tại các thị trường mới nổi tại châu Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, đứng sau sự giảm tốc đó là việc Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ một nền kinh tế lấy xuất khẩu và đầu tư làm lực đẩy sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.
WB nhấn mạnh sự tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến xu thế của thương mại - một trong các động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu những năm gần dây. Mặc dù báo cáo của WB không đưa ra bất kỳ dự báo nào về tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2016, song mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ quan ngại rằng hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu vẫn "sa sút" trong năm nay. Ngày 8/3, Phó Giám đốc điều hành IMF David Lipton cảnh báo rằng những lo ngại ngày càng gia tăng về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cùng lạm phát thấp sẽ dẫn tới sự sụt giảm mạnh dòng vốn và thương mại trên toàn cầu.
Lạm phát của Trung Quốc vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra
Lạm phát của Trung Quốc trong tháng 2/2016 đã tăng lên 2,3%, do giá thực phẩm tăng tới 7,3%. Tuy vậy, con số trên vẫn thấp hơn mức mục tiêu 3% mà Chính phủ Trung Quốc mới đưa ra cho năm 2016.
Dự đoán, lạm phát của Trung Quốc sẽ tăng cao trong năm 2016 mặc dù các nhà phân tích cho rằng chỉ số này không thể lên tới các mức có thể tác động bất lợi tới kế hoạch tăng cường chi tiêu của chính phủ nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Trong khi đó, theo báo cáo của công ty luật Baker & McKenzie, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu và Mỹ đã đạt các mức kỷ lục 23 tỷ USD và 15 tỷ USD trong năm 2015. Italy, Pháp và Vương quốc Anh là ba điểm đến đầu tư hàng đầu của Trung Quốc tại châu Âu; trong khi các bang New York, California và Texas là những nơi thu hút vốn đầu tư mạnh nhất của Trung Quốc tại Mỹ.
Nhà nghiên cứu kinh tế Chen Fengying của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho hay Trung Quốc là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới trong thời gian qua và trong 5 năm tới; nhu cầu trong nước, đầu tư và sức mua gia tăng của nước này sẽ tiếp tục tiếp sức cho nền kinh tế thế giới. Dự kiến, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 10.000 tỷ USD hàng hóa, đầu tư 500 tỷ USD và người dân nước này sẽ thực hiện 500 triệu chuyến du lịch nước ngoài.