Điều này trái ngược với động thái của Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác khi đang chuyển sang giải quyết vấn đề lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát mạnh do giá nguyên liệu toàn cầu tăng đột biến trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hy vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch.
PBoC thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản của khoản vay kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,7%, giảm 0,1 điểm phần trăm so tháng trước. Trước đó trong tháng 12/2021 PBoC đã cắt giảm lãi suất vay kỳ hạn một năm 0,05 điểm phần trăm xuống còn 3,8%. Trong khi đó, lãi suất của gói vay kỳ hạn 5 năm cũng giảm 0,05 điểm phần trăm xuống còn 4,6%. Đây là đợt cắt giảm lãi suất loại này đầu tiên của PBoC kể từ tháng 4/2020.
Động thái cắt giảm lãi suất mới nhất của PBoC cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn suy giảm của nền kinh tế, trong bối cảnh một làn sóng lây nhiễm COVID-19 khác và tình hình rối loạn trên thị trường tài chính.
Trong những tháng gần đây, PBoC đã cắt giảm yêu cầu lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ, nhằm thúc đẩy các tổ chức tài chính cho các công ty và tổ chức khác vay nhiều tiền hơn, một bước đi sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước.
Mới đây, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy GDP trong năm 2021 của nước này tăng 8,1%, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ qua. NBS cho rằng mức tăng trưởng trên cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý IV/2021 có phần chậm lại, chỉ ở mức 4%. Mức này cao hơn so với mức dự báo, song lại là mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng một năm rưỡi qua.
Theo NBS, nền kinh tế trong nước đang chịu áp lực lớn do nhu cầu sụt giảm, nguồn cung gián đoạn và một số triển vọng không khả quan.