Trung Quốc trừng phạt Litva liên quan tới vấn đề Đài Loan

Litva cảnh báo Trung Quốc sẽ nhắm vào nhiều quốc gia hơn với “hành động cưỡng ép kinh tế” do vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Theo hãng tin Reuters ngày 10/2, Trung Quốc hiện đã ngừng nhập khẩu thịt bò của Litva sau khi căng thẳng gia tăng liên quan tới vấn đề Đài Loan. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Vilnius, Litva. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết nước này đã dừng nhập khẩu thịt bò từ Litva kể từ hôm 9/2, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng với quốc gia Baltic này và các đồng minh phương Tây, liên quan đến vấn đề Đài Loan.

Hải quan Trung Quốc đã không đưa ra lý do cho việc đình chỉ. Cơ quan này thường ngừng nhập khẩu thịt nếu các quốc gia xuất khẩu báo cáo bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi. Litva đã không báo cáo bất kỳ bệnh động vật nào cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) gần đây.

Tuy nhiên, động thái này được đưa ra sau khi Anh cho biết họ sẽ cùng với Mỹ và Australia ủng hộ một vụ kiện thương mại của EU chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Bắc Kinh bị cáo buộc hạn chế thương mại đối với Litva.

Ủy ban châu Âu cho biết xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc đã giảm 91% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Litva đã cho phép vùng lãnh thổ Đài Loan mở cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Vilnius với tên gọi "Đài Loan" vào năm ngoái, động thái khiến Bắc Kinh rất bất bình.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu thịt bò hàng đầu thế giới nhưng các lô hàng từ Litva lại rất ít, dưới 2.000 tấn vào năm 2020.

Đài Loan đã tăng cường nhập khẩu thực phẩm từ Litva để giúp giảm bớt tác động của các biện pháp kiềm chế của Trung Quốc, gần đây nhất là rượu rum. Lô đầu tiên gồm 1.200 chai đã được bán hết trong vòng chưa đầy một giờ sau khi mở bán trong tháng này.

Trong chuyến thăm Australia tuần này, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết Trung Quốc sẽ nhắm mục tiêu vào nhiều quốc gia hơn bằng áp lực kinh tế. Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis nhấn mạnh các nước cùng chí hướng phải sử dụng “các công cụ và quy định” để “chống lại sự ép buộc và không nhượng bộ trước các áp lực kinh tế và chính trị”.

Tuy nhiên, Australia không xem xét việc đổi tên đại sứ quán trên thực tế của vùng lãnh tổ Đài Loan tại nước này và vẫn cam kết ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".

Australia đã cùng với Mỹ và Anh ủng hộ một vụ kiện thương mại của EU nhằm vào Trung Quốc tại WTO với cáo buộc Bắc Kinh có các hành vi hạn chế thương mại đối với Litva mà họ cho rằng đe dọa tính toàn vẹn của thị trường duy nhất của EU.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và duy trì nguyên tắc "Một Trung Quốc", không chấp nhận các nước thiết lập quan hệ ngoại giao cùng lúc với cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc.

Công Thuận/Báo Tin tức
Trục tam giác chiến lược Nga-Trung Quốc-Iran và phản ứng của Mỹ
Trục tam giác chiến lược Nga-Trung Quốc-Iran và phản ứng của Mỹ

Trung Quốc, Nga và Iran đang tìm kiếm sự hợp tác kinh tế và thương mại chung và dành ưu tiên cao nhất cho khía cạnh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN