Theo trang mạng này, Việt Nam hiện tăng trưởng ở mức 6,5% nhờ 4 yếu tố: chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, sự gia tăng tầng lớp trung lưu thúc đẩy nhu cầu và sức hấp dẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tài sản đầu tiên của Việt Nam là dân số. Việt Nam có dân số trẻ và có trình độ. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng và đây là một tài sản lớn trong nền kinh tế có 72% hoạt động được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng, đặc biệt là nông sản. Từ năm 2010, tỷ trọng xuất khẩu liên quan đến công nghệ đã tăng gấp 5 lần và hiện đã vượt quá 30%. Theo trang mạng này, Việt Nam đang trở thành cường quốc xuất khẩu với thị phần toàn cầu tăng đều đặn, hiện nay đạt 1,6%.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik cũng đưa bài đánh giá về khả năng Việt Nam sẽ trở thành “công xưởng thế giới”. Bài trích dẫn danh sách đối tác cung ứng trong tài khóa 2021 của Apple được công bố vào tháng 9 cho thấy hiện tập đoàn này có 25 đối tác đặt nhà máy tại Việt Nam, chiếm 13,9% trong tổng số 190 nhà cung ứng tính đến quý IV/2021, tăng so với năm 2020.
Sputnik dẫn lời ông Nguyễn Thanh Yên, thành viên quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhận định việc Apple chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, đồng thời tăng số lượng đối tác cung ứng là điều dễ hiểu: "Bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam từ lâu cũng là địa chỉ được các công ty sản xuất lắp ráp thiết bị điện tử chú ý tới, có thể kể đến như nhà máy sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Nokia trước kia hay Samsung hiện nay".
Theo Sputnik, trên thực tế, nhiều sản phẩm quan trọng trên thị trường di động toàn cầu của các “ông lớn” như Samsung, Xiaomi và Apple được sản xuất tại Việt Nam. Một yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà sản xuất đó trong gần 20 năm qua, lực lượng lao động kỹ thuật tại Việt Nam đang từng bước tự nâng cấp, ngày càng có nhiều kỹ sư người Việt được tham gia và được đảm nhận những công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, ví dụ như lĩnh vực thiết kế vi mạch.