Kim loại quý đang dần lấy lại đà phục hồi từ mức đáy 2 năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chỉ số MXV-Index kim loại vẫn đang ở mức điểm thấp hơn khoảng 14% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, mức điểm đang dần phục hồi trở lại trong khoảng hơn 1 tuần gần đây, trong đó, nhóm kim loại quý đang ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc đáng kể.
Thực tế, sau khi FED quyết định mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp hồi cuối tháng 7 vừa qua, giá bạc và bạch kim ngay lập tức tăng vọt. Thậm chí, bạc còn có phiên tăng gần 7% và là mức tăng mạnh mẽ nhất kể từ ngày 01/02/2021. Áp lực từ lạm phát lập đỉnh trong tháng 6 tại Mỹ đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về một mức tăng lãi suất cao hơn. Mặc dù vậy, FED đã không gây ra sự bất ngờ nào cho thị trường và nhóm kim loại quý được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ. Cả bạc và bạch kim đều đang phục hồi từ mức đáy 2 năm được thiết lập vào giữa tháng 7 vừa qua.
Sau khi trải qua một đợt bán tháo tương đối mạnh trước đó, hiện tại đang là thời điểm quan trọng để bạc và bạch kim đón nhận lực mua quay trở lại. Theo MXV, cuộc họp tiếp theo gần nhất của FED sẽ diễn ra vào 21/09 tới đây và thị trường sẽ có một khoảng thời gian để đánh giá về sức khỏe của nền kinh tế. Do đó, nhiều khả năng nhóm kim loại quý sẽ không còn chịu áp lực bán quá mạnh như các tháng trước đó. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế vẫn sẽ khó có thể cho giá bạc và bạch kim đà phục hồi quá mạnh.
Giá bạc và bạch kim tiếp tục theo sát chuyển động vĩ mô
Trong ngắn hạn, thị trường kim loại quý vẫn sẽ phản ứng mạnh với những yếu tố vĩ mô. Trong đó, dữ liệu về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào tối ngày 05/08 có thể sẽ gây ra biến động mạnh cho giá ngay trong phiên. Trên thực tế, thị trường lao động là một trong những thước đo quan trọng nhằm đánh giá liệu nền kinh tế có đang trên bờ vực suy thoái hay không. Dữ liệu GDP của Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong cả 2 quý đầu năm, cùng với việc đường cong lợi suất kỳ hạn ngắn và dài hạn liên tục đảo ngược đang là các dấu hiệu cho thấy suy thoái ngày càng hiện hữu.
Tuy nhiên, thị trường lao động tại Mỹ đang được đánh giá là tương đối chặt chẽ, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 3,6% kể từ tháng 3 cho tới nay. Điều này là căn cứ cho các lập luận của FED khi cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể thích ứng với mức lãi suất cao hơn trong tương lai. Mới đây nhất, chỉ số quản lý mua hàng PMI phi sản xuất của Viện Quản lý cung ứng Mỹ trong tháng qua bất ngờ tăng so với kỳ vọng giảm của thị trường. Trong khi đó, PMI sản xuất tiếp tục trên ngưỡng 50 và chỉ suy giảm nhẹ so với tháng 6, vẫn cho thấy năng lực mở rộng của các nhà máy. Do đó, nhiều khả năng dữ liệu về số người có việc ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 7 vẫn sẽ ở mức không quá tiêu cực, và có thể tốt hơn con số dự báo 250.000 người. Giá vàng, bạc và bạch kim nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được động lực tăng giá trong các phiên sắp tới.
Mặc dù vậy, khi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa quá tiêu cực, đồng nghĩa với việc FED sẽ có thêm không gian thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Mới đây, các quan chức FED đang liên tục cho thấy những bình luận cứng rắn khẳng định cam kết chống lại lạm phát. Bên cạnh đó, các quốc gia khác vẫn đang gắn chặt với mục tiêu kiểm soát giá cả leo thang. Điển hình là mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào tối qua. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995 đối với quốc gia này và Chính phủ đồng thời cảnh báo về nguy cơ suy thoái có thể bắt đầu từ cuối năm nay. Như vậy, bài toán về lãi suất vẫn sẽ tạo ra những rào cản lớn cho đà bứt phá mạnh mẽ của giá kim loại quý trong thời gian tới.