Để khuyến khích các hộ dân tham gia trồng rừng, tỉnh Tuyên Quang thực hiện giao quyền sử dụng đất trong 50 năm (kể cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ) và hỗ trợ cây giống cho các hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng.
Ngoài ra, để đảm bảo việc trồng rừng đúng thời vụ, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các các lâm trường, các trung tâm sản xuất giống chủ động gieo ươm cây giống để cung cấp cho các hộ dân.
Cùng với đó, để phát huy hiệu quả từ trồng rừng theo hướng đa mục tiêu, hiệu quả và bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích hơn 209.400 ha; trong đó, vùng nguyên liệu quy hoạch cho Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa là hơn 163.358 ha; vùng nguyên liệu quy hoạch cho Nhà máy giấy Bãi Bằng hơn 8.000 ha; còn lại là vùng nguyên liệu quy hoạch cho các cơ sở chế biến gỗ khác…
Tỉnh Tuyên Quang còn huy động các nguồn lực xã hội từ các thành phần kinh tế khác nhau để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, kết hợp với trồng rừng, đảm bảo khả năng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, lũ lụt…
Năm 2017, tỉnh Tuyên Quang dự kiến khai thác hơn 9.750 ha rừng trồng, đạt sản lượng hơn 844.000 m3 gỗ.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có gần 435.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích đất tự nhiên. Theo quy hoạch 3 loại rừng mới, rừng đặc dụng có diện tích gần 47.000 ha; rừng phòng hộ có diện tích hơn 121.600 ha; rừng sản xuất có diện tích hơn 266.400 ha.
Những năm gần đây, rừng đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, phòng chống lũ lụt, thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái ở tỉnh Tuyên Quang. Năm 2016, tỉnh Tuyên Quang đã trồng mới được hơn 10.940 ha rừng; khai thác được hơn 7.760 ha rừng trồng, đạt sản lượng hơn 765.600 m3.