Nhóm bốn chủ nợ tư nhân lớn nhất, nắm giữ tới hai phần ba tổng số nợ 15,3 tỷ USD của Ukraine trước các chủ nợ cá nhân, đã từ chối xóa nợ cho Kiev, đẩy đất nước đang trải qua cuộc nội chiến này vào thế phải đối mặt với khả năng phá sản.
Trong tuyên bố đăng trên tờ "Financial Times" (Thời báo Tài chính), ủy ban các chủ nợ nắm trái phiếu của Ukraine cho rằng đề xuất xóa nợ của Chính quyền Kiev sẽ phát đi tín hiệu tới thị trường tài chính toàn cầu rằng chính phủ có thể cho phép mình từ chối nghĩa vụ nợ.
Các chủ nợ tư nhân từng đề xuất Kiev dùng dự trữ của Ngân hàng Trung ương để thanh toán nợ, song Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cực lực chỉ trích ý định này.
Trước đó, Kiev đã đề nghị nhóm tập đoàn tài chính lớn của Mỹ (bốn chủ nợ tư nhân lớn nhất của Ukraine) giãn nợ và giảm lãi suất cho nước này trong bối cảnh Kiev phải dành nguồn tài chính cho chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine.
Theo đề xuất đó, các chủ nợ sẽ chỉ còn thu về khoảng 40% số tiền đã cho vay. Kiev lập luận rằng khi cho vay, các chủ nợ đã đánh cược vào trái phiếu quốc gia của chính quyền cũ vốn là đồng minh của Nga, do đó khi chính quyền này bị lật đổ năm 2014, họ nên gánh chịu một phần thiệt hại từ cuộc chính biến đó.
Đàm phán giữa các chủ nợ tư nhân lớn nhất của Ukraine và chính quyền Kiev giúp nước này giảm chi phí đi vay tới 15,3 tỷ USD trong 4 năm tới không có tiến triển và Ukraine có nguy cơ bị vỡ nợ.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk từng tuyên bố sẽ đóng băng các khoản thanh toán nợ trong trường hợp đàm phán tái cơ cấu nợ thất bại.
Ngày 18/6 theo lịch trình Ukraine sẽ phải thanh toán 39 triệu USD cho các chủ nợ nếu muốn được tiếp tục đàm phán tái cơ cấu 15,3 tỷ USD trên.