Thế nhưng cũng chính điều kiện thời tiết này lại tạo điều kiện thuận lợi cho cây nho phát triển. Dựa trên thế mạnh của vùng đất đối với cây nho, tỉnh Ninh Thuận đã phát huy lợi thế, sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nho, xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận để tăng cạnh tranh với các thị trường.
Nâng chất lượng nho tươi bằng công nghệ cao
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nho tươi của các thị trường trong nước và quốc tế rất lớn, đặc biệt là nho chất lượng cao, giòn, ngọt, thơm nhẹ càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Chính vì vậy, sản xuất nho giống mới và mở rộng sản xuất đang được tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cả tỉnh hiện có 1.300 ha sản xuất nho tươi và nho chế biến rượu, sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 tấn/năm; trong đó, nho ăn trái chiếm 80% sản lượng này.
Nắm bắt được xu thế tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã cùng Viện Nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận) phát triển nhiều loại giống nho chất lượng cao mới như NH01-152, NH01-26, Black Queen 193… để có thể giúp người trồng nho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập so với trước đây.
Thế nhưng để sản xuất được các giống nho này đòi hỏi người trồng phải áp dụng công nghệ vào quá trình chăm sóc. Có như vậy, cây nho mới đủ điều kiện phát triển và cho chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh với nho nhập khẩu.
Ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Phát triển công nghệ, Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, Ninh Thuận chia sẻ, sản xuất nho công nghệ cao có sử dụng giàn chữ y, mái che mưa, lưới chắn côn trùng, chắn gió di động. Mặc dù chi phí sử dụng cho cách sản xuất mới cao gấp 3-4 lần so với trồng nho kiểu cũ, nhưng giúp giảm hẳn sâu bệnh hại, giảm kinh phí diệt sâu bệnh hại trên cây nho.
Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm nên giảm chi phí công tưới nước, tiết kiệm được lượng phân bón vì phân bón đã hòa theo nước. Sản xuất theo kiểu giàn mới sẽ giúp sản xuất được 2 vụ/năm mà không bị thời tiết bất thường tác động.
Trong quá trình sản xuất, người trồng phải cân đối giữa năng suất và chất lượng nho vì nếu để vườn phát triển năng suất thì chất lượng trái nho sẽ không như mong muốn. Khi áp dụng bón phân phải cân đối giữa đạm và kali để trái nho phát triển màu như mong muốn.
Gia đình anh Phạm Thế Anh tiên phong trồng giống nho NH01-26 ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải cho biết, qua hơn 2 năm trồng giống nho mới này, phù hợp với điều kiện canh tác hữu cơ, thời gian sinh trưởng ngắn ngày khoảng 8 đến 10 tháng, người trồng có thể canh tác 3 vụ/năm, năng suất từ 12 tấn đến 18 tấn/ha, khả năng ra hoa đậu quả tốt, gia đình anh mở rộng diện tích lên 3.000 m2. Đây là loại nho có lá dày nhiều lông, có khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh, nhất là bệnh thán thư, mốc sương. Giá bán cao gấp nhiều lần so với giống nho đỏ truyền thống.
Trong thời gian tới, Viện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu ra giống nho mới chất lượng cao, cùng với ứng dụng kỹ thuật vào quá trình canh tác, ứng dụng sản xuất hữu cơ…, doanh nghiệp lớn có thể cơ giới hoá, tự động hoá, giảm lao động trong khâu sản xuất, nâng cao hiệu quả khi sản xuất quy mô lớn, giúp xây dựng và khẳng định thương hiệu nho Ninh Thuận, ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung tâm tư vấn và Phát triển công nghệ, Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, Ninh Thuận cho biết thêm.
Theo TS. Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố sẽ tuyên truyền nhân rộng giống thích ứng thời ứng, giúp chuyển giao tiên bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc thay đổi giàn chữ y với vật liệu nông dân hiện có, chuyển giao giải pháp đồng bộ để nông dân ứng dụng có hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm.
Giá bán ra cao hơn canh tác truyền thống khoảng 20%, lợi nhuận vượt 35% so với canh tác thông thường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với nho nhập khẩu. Cách canh tác này theo tiêu chí an toàn, GlobalGAP, đàm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Cuối năm 2022 có thể nhân rộng và phát triển đại trà.
Thêm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nho
Sản phẩm nho Ninh Thuận được người trồng nho liên kết sản xuất để có thể nâng cao giá trị cho trái nho. Với sản lượng cung ứng thị trường 30.000 tấn/năm, có 20% sản lượng dùng để cung ứng cho chế biến các sản phẩm nho như nước nho lên men, mật nho, nho sấy khô, rượu nho…
Hiện các sản phẩm nho chế biến cũng được UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các địa phương mở rộng sản xuất, đưa vào chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh. Các sản phẩm nho Ninh Thuận hiện là 1 trong 62 sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng nội địa biết đến.
Ông Nguyễn Đoàn Thiện Phú, phụ trách kinh doanh Hợp tác xã EVERGREEN chia sẻ, bên cạnh phát triển sản phẩm nho tươi, Hợp tác xã EVERGREEN còn có nước nho lên men đỏ và xanh, nho sấy đỏ và xanh, giấm nho được sản xuất theo quy trình khép kín an toàn thực phẩm.
Tất cả các sản phẩm này đều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho hợp tác xã và chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận. Hợp tác xã cũng áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhiều đơn vị đã ký kết tiêu thụ sản phẩm nho của hợp tác xã, đưa vào hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận với sản lượng 5 tấn/tháng, giúp các thành viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Sản xuất và chế biến nho làm rượu hiện đang là nhu cầu rất lớn của thị trường trong nước. Khi đã đạt được chất lượng có thể cạnh tranh với một số sản phẩm rượu nho nhập khẩu, đây là cơ hội lớn để sản xuất nho Ninh Thuận phát triển hơn nữa.
Ông Thạch Vũ Vương, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước cho biết, gia đình trồng 1 ha nho Syrah liên kết sản xuất với công ty chế biến rượu vang nho tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào nho Syrah khoảng trên 40 triệu đồng, tương đương so với trồng các giống nho khác. Trồng nho rượu không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, tuy nhiên phải tuân thủ kỹ thuật canh tác để đạt sản lượng và chất lượng cao. Vườn nho Syrah cho thu hoạch 3 vụ/năm, sản lượng bình quân khoảng 15 tấn/ha/vụ.
Nho rượu tùy theo độ Brix (độ ngọt, chỉ số quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các loại rượu vang trong quá trình ủ, lên men) được công ty bao tiêu thu mua với giá tối thiểu 15.000 đồng/kg, nếu hàm lượng độ Brix càng cao (hơn 18% là tốt nhất) thì giá có thể tăng lên 1,5 lần và thậm chí hơn. Lấy giá bán bình quân 15.000 đồng/kg, vườn nho cho doanh thu khoảng 225 triệu đồng/vụ.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để nâng cao giá trị sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phối hợp các viện, cơ quan đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, chọn tạo những giống nho mới bao gồm nho tươi và nho ủ rượu có sức đề kháng sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt cung cấp kịp thời cho sản xuất và tiêu dùng.
Hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm nho tươi, tỉnh tập trung nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, chú trọng đến các sản phẩm chế biến sâu từ quả nho. Để thực hiện, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương tiếp tục rà soát, lập quy hoạch phát triển cây nho, quy hoạch vùng nguyên liệu trồng nho rượu để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và lâu dài cho sản xuất công nghiệp. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho người trồng nho liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư, sản xuất nho rượu theo chuỗi giá trị.