Ứng dụng công nghệ hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại

Giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã giúp ngành nông nghiệp Đồng Nai phát triển bền vững hơn, mang lại lợi nhuận và hiệu quả cao cho người sản xuất.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp để tạo đòn bẩy, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển tốt hơn, đáp ứng với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất. Chính vì những ưu điểm này, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân để ngành nông nghiệp đạt kết quả cao, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Chú thích ảnh
Khu nuôi 350 lợn nái của Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Xây dựng nhiều chuỗi nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 132 chuỗi liên kết với sự tham gia của 67 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác. Trong chuỗi này có 84 chuỗi trồng trọt, 29 chuỗi chăn nuôi, 4 chuỗi sản xuất thuỷ sản và 15 chuỗi chợ an toàn thực phẩm. Hiện có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt với tổng diện tích hơn 5.500 ha, sản lượng tiêu thụ khoảng 85.000 tấn.

Ông Trần Hải Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản tỉnh Đồng Nai chia sẻ, trong những mô hình liên kết chuỗi, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và nông dân, có nhiều mô hình đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn như: chuỗi sản xuất và chế biến, tiêu thụ ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức được tổ chức khép kín từ khi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm với quy mô vùng nguyên liệu hơn 360 ha.

Hay chuỗi liên kết sản xuất bắp cây của Hợp tác xã Đông Tây với sự tham gia của 300 hộ thành viên, quy mô 270 ha, cung cấp 270 tấn bắp tươi/ngày cho các trang trại chăn nuôi bò vỗ béo; chuỗi liên kết nuôi gà của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát với 28 hộ thành viên đã ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, đã liên kết với các doanh nghiệp thành viên của hợp tác xã, tổ chức sản xuất khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến và xuất khẩu đạt mức bình quân 25 tấn/ngày...

Đến trang trại chăn nuôi lợn Hương Vĩnh Cửu tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, có thể thấy quy mô trang trại chăn nuôi lợn với 350 con nái theo tiêu chuẩn VietGAP được chăm sóc theo quy trình khép kín, cho hiệu quả kinh tế cao, người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm thị lợn này.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu chia sẻ, khâu quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất lợn khép kín là chọn con giống sạch và nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hiện Công ty Hương Vĩnh Cửu đang sử dụng con giống của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Với chuỗi sản xuất hiện nay, trang trại hiện có 350 nái, sản xuất khoảng 10.000 lợn thương phẩm/năm, toàn bộ quy trình giết mổ lợn của Hương Vĩnh Cửu được đưa vào dây chuyền máy móc thực hiện, không còn thực hiện thủ công như trước đây.

Trước khi giết mổ, lợn được gây mê trước từ 6 đến 10 tiếng để lợn giải phóng hết loại hóc môn làm cứng, khô thịt lợn. Sản phẩm thịt lợn của Hương Vĩnh Cửu được đưa đến chuỗi cửa hàng thịt lợn sạch của công ty và các nhà phân phối lớn. Tại đây, người tiêu dùng có thể lựa chọn và an tâm với sản phẩm thịt lợn được sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm VietGAP. 

Lấy chất lượng tiêu dùng làm chuẩn

Ngay từ năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Trong chiến lược này, ngành nông nghiệp lấy yêu cầu của người tiêu dùng làm thước đo đánh giá chất lượng sản phẩm cho tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu.

Là một trong những địa phương giữ vai trò kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam, tỉnh Đồng Nai cũng đã có những chủ trương, chính sách phù hợp để đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà đồng hành cùng ngành nông nghiệp cả nước, mặc dù tỷ trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai chiếm rất nhỏ so với những ngành nghề khác. 

Chú thích ảnh
Hệ thống tưới phun mưa trên ngọn cây tại vùng trồng sầu riêng của Hợp tác xã Xuân Định. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Theo ông Trần Hải Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Đồng Nai, nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất, cũng như để người tiêu dùng có được sản phẩm nông nghiệp an toàn, tỉnh đã có những chính sách thiết thực, đưa ngành nông nghiệp đi lên.

Điển hình như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chính sách khuyến khích, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được Trung ương ban hành tại Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chinh phủ; chính sách khuyến nông...

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp sạch cũng đã được triển khai trong suốt thời gian qua, để ngành chăn nuôi và trồng trọt thực hiện các tiêu chí an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ có ứng dụng công nghệ hiện đại được phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Hệ thống tưới gốc tự động tại vùng trồng sầu riêng của Hợp tác xã Xuân Định. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Về nông nghiệp sạch, sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc là một trong những hợp tác xã đi đầu về làm nông nghiệp sạch tại tỉnh Đồng Nai.

Để thực hiện ước mơ bán sản phẩm của mình ra thế giới, từ năm 2018 đến nay, bà con xã viên trong Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định đã không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng máy phát, máy xới để làm cỏ trong vườn thay cho phun xịt thuốc diệt cỏ; sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ vi sinh; chấp hành tốt thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch...

Theo bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, huyện Xuân Lộc là một trong những hợp tác xã đi đầu về lXuân Định, để người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của Hợp tác xã, bà Nga đã vận động những người dân sản xuất sầu riêng nơi đây cùng vào hợp tác xã và sản xuất theo tiêu chí hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, hệ thống bón phân phun sương nhập khẩu từ Israel...

Ban đầu các thành viên còn gặp khó khăn vì phải tuân thủ các khâu ghi chép, sử dụng đúng liều lượng phân bón, bảo vệ thực vật, phòng ngừa sâu bệnh vì sâu bệnh hại. Tuy nhiên, sau 2 năm áp dụng đúng phương pháp và yêu cầu kỹ thuật trong sản xuất, năng suất sầu riêng vượt trội hơn so với trước đây, khoảng 35 tấn/ha.

Chú thích ảnh
Xã viên Hợp tác xã Xuân Định cắt cỏ cho vườn sầu riêng thay vì dùng thuốc diệt cỏ như trước đây. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Với sản phẩm được canh tác theo tiêu chuẩn này, người tiêu dùng có thể an tâm, bởi Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định sản xuất đúng tiêu chí sạch. Chính vì vậy, sản phẩm sầu riêng của hợp tác xã được doanh nghiệp đặt hàng và thu mua toàn bộ sản lượng. Thậm chí vào thời điểm trái vụ, doanh nghiệp đặt hàng vượt cả số lượng trong kho của hợp tác xã.

Hiện sầu riêng Xuân Định đã kết nối đầu ra với các kênh tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị BigC, trung tâm phân phối Satra, hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh... với sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm. Vừa qua, sầu riêng Xuân Định còn được một số đối tác nước ngoài thẩm định chất lượng để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản.

Với giải pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp này, có thể thấy được ngành nông nghiệp Đồng Nai đã xác định đúng hướng, phát triển bền vững, mang lại lợi nhuận và hiệu quả cao cho người sản xuất và yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững này là an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Hồng Nhung – Minh Hưng – Thanh Trà (TTXVN)
Tuổi trẻ Vĩnh Long sáng tạo, khởi nghiệp - Bài 2: Bén duyên cùng nông nghiệp công nghệ cao
Tuổi trẻ Vĩnh Long sáng tạo, khởi nghiệp - Bài 2: Bén duyên cùng nông nghiệp công nghệ cao

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp hiện đang phổ biến và mang lại hiệu quả canh tác tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN