Công nghệ này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên triển khai hỗ trợ tại 5 mô hình trồng nhãn và cây có múi ở các huyện Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên.
Các mô hình đã thu hút gần 100 hộ làm vườn tham gia. Bà con được tập huấn, hướng dẫn sử dụng chế phẩm nano, các biện pháp chăm sóc nhãn, cam và được hỗ trợ một phần chế phẩm nano, phân bón.
Theo ông Nguyễn Quang Tín và các hộ trồng cam ở xã Đồng Thanh (Kim Động), so với phương pháp phòng, trừ sâu bệnh truyền thống, ứng dụng chế phẩm nano S500 mang lại ưu điểm vượt trội, hiệu quả cao trong phòng, trừ bệnh loét quả, sẹo quả, ngăn ngừa nấm và vi khuẩn; vỏ quả cam căng mọng, màu xanh đậm, sáng màu, khi chín có màu vàng, mã đẹp, thời gian chín nhanh hơn. Chi phí đầu tư cho mỗi ha thấp hơn 7 triệu đồng, lợi nhuận tăng hơn 20 triệu đồng so với cam sản xuất ở ngoài mô hình.
Còn ông Trần Văn Hiếu và các hộ trồng nhãn ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Với cây nhãn, việc sử dụng nano bạc hạn chế nhiều bệnh hại như thán thư, sương mai, thối quả; tỷ lệ rụng, nứt quả giảm 20%, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50% và an toàn với môi trường, năng suất, sản lượng nhãn tăng 20%, mã vỏ quả đẹp hơn, chất lượng quả ngon hơn được khách hàng tín nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết: Qua theo dõi, đánh giá, các mô hình ứng dụng chế phẩm nano có tác dụng phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả, có thể thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học để tiêu diệt nấm bệnh, nứt rụng quả, bệnh sẹo quả, loét quả. Nano bạc, đồng là sản phẩm sạch, không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, không gây tồn dư các chất độc hại trên nông sản, an toàn khi sử dụng. Từ hiệu quả này, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục triển khai trên diện rộng.