Tại buổi khảo sát, đoàn đến các điểm đầu, cuối, các nút giao trên tuyến cao tốc, đồng thời nghe lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu trình bày về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, để xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Nai cần thu hồi hơn 370 ha đất của hàng nghìn hộ và nhiều tổ chức tại thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành. Trong số này có khoảng 2.000 hộ cần bố trí tái định cư. Việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án sẽ được Đồng Nai thực hiện một lần theo quy hoạch đầu tư hoàn thiện toàn tuyến.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 19,5 km, dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Để triển khai dự án, Bà Rịa – Vũng Tàu phải thu hồi hàng trăm ha đất của nhiều hộ dân. Hiện cơ quan chức năng đã thống kê hiện trạng nhà cửa của người dân có đất bị thu hồi, tính toán nhu cầu tái định cư cho người dân.
Lãnh đạo Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, việc xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là cấp thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu của Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Cao tốc hình thành góp phần kết nối sân bay Long Thành với các địa phương. Tuyến cao tốc cần sớm được triển khai, bởi hiện nay, Quốc lộ 51 đã quá tải trầm trọng, trong khi dự kiến năm 2025 sân bay Long Thành sẽ đưa vào sử dụng.
Tại buổi khảo sát, các thành viên Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, thời gian qua, hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ đã được đầu tư mạnh, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về vận tải, lưu thông hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu không chỉ kết nối giữa 2 địa phương mà còn góp phần kết nối giao thông khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Các thành viên Đoàn công tác lưu ý, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cần chuẩn bị các bước giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, để khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án có thể triển khai ngay.
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1. Theo đó, tuyến cao tốc có tổng chiều dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; trong đó, đoạn qua địa bàn Đồng Nai có chiều dài hơn 34 km. Dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa; điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án có quy mô từ 4 – 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 18.000 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Chính phủ đề xuất chia cao tốc Biên Hòa – Vũng thành 3 dự án thành phần, trong đó tại Đồng Nai có 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng; dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổng mức đầu tư gần 5.200 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2023, hoàn thành trong năm 2025.