Bên cạnh đó, Chính phủ có sự quan tâm tới chiến dịch “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí trong phòng chống dịch, yên tâm, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, các đề nghị này đang có một số vướng mắc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mong muốn sớm tiếp cận vaccine
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc Chính phủ đồng ý cho doanh nghiệp tự đàm phán, tìm kiếm nguồn vaccine là chủ trương đúng và kịp thời. Nhưng phải khẳng định để đưa được vaccine về doanh nghiệp là không dễ. Chỉ có các tập đoàn đa quốc gia hoặc có đủ tiềm lực tài chính, được phép của Chính phủ, Bộ Y tế mới làm được việc này. Còn hiện các doanh nghiệp muốn thực hiện đều phải thông qua cơ chế kiểm soát nguồn vaccine với các thủ tục phức tạp. Đến nay, các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam chưa thể làm được việc này.
Theo đại diện Vitas, vaccine không phải hàng hóa có thể thực hiện xuất nhập khẩu thông thường, mà là mặt hàng đặc biệt nên phải có sự vào cuộc của Chính phủ và Bộ Y tế mới có thể nhập khẩu được. Bản thân hiệp hội và các doanh nghiệp cũng đã tự tìm kiếm nguồn cung nhưng không thể tự đứng ra đàm phán, nhập khẩu.
“Doanh nghiệp sẵn sàng tự tìm kiếm nguồn vaccine, bỏ chi phí nhập khẩu và tiêm cho người lao động. Chúng tôi chỉ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đàm phán để giúp đưa nguồn vaccine về tới doanh nghiệp”, ông Giang nói.
Cùng quan điểm trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, các hiệp hội đã tìm nguồn cung vaccine ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), nhưng mới đang trong giai đoạn khởi động. Việc cung cấp vaccine chỉ được thông qua các thỏa thuận, làm việc trực tiếp với cơ quan Chính phủ, các tổ chức liên kết nhiều quốc gia…
“Việc đàm phán mua vaccine cần rất nhiều thủ tục liên quan. Phía cung cấp vaccine chỉ làm việc với Chính phủ, còn nhiệm vụ của các hiệp hội là tìm nguồn và chi trả kinh phí, chúng tôi không đủ tư cách cũng như chuyên môn để đàm phán, nhập khẩu và triển khai tiêm”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Đại diện các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam đủ điều kiện triển khai thủ tục, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại nhà máy.
“Cần sớm tiêm vaccine để ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Hiện nay hơn 90% doanh nghiệp trong ngành đã bị đình trệ sản xuất, đóng cửa vì dịch bệnh. Nếu không phục hồi trong tháng 8 và tháng 9 tới thì nguy cơ mất chuỗi cung ứng hàng hóa là hiện hữu. Doanh nghiệp sẽ phá sản. Nếu có thể, khi có nguồn cung vaccine, có thể cấp cho doanh nghiệp để họ tự phối hợp với các đơn vị tư nhân, có chuyên môn tiêm cho người lao động”, bà Xuân đề xuất.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (Hawa) cũng cho biết, đối với ngành chế biến gỗ, lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng rất quan trọng nhưng hiện nay một phần trong số này đang phải tạm nghỉ việc do dịch bệnh, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi dịch được khống chế. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị các địa phương tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động trong các nhà máy, giúp họ yên tâm làm việc và doanh nghiệp có thể sản xuất ổn định.
Tự xét nghiệm và quản lý lao động
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh việc xét nghiệm sàng lọc ca mắc COVID-19 là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng cách ly, khoanh vùng để bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải thực hiện xét nghiệm định kỳ cho nhân viên, người lao động với chi phí cao khoảng 350.000 đồng/lần nhưng việc xét nghiệm vẫn còn nhiều bất cập như người lao động phải đến các cơ sở y tế để xét nghiệm. Còn dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 bên ngoài dù nở rộ nhưng không ai kiểm soát chất lượng và không được các đơn vị kiểm soát dịch công nhận.
Do đó, các doanh nghiệp đang đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động tổ chức xét nghiệm COVID-19 tại doanh nghiệp hoặc ký kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm COVID-19 được công nhận.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, nếu được chủ động trong việc tự xét nghiệm COVID-19, doanh nghiệp có thể giảm được một phần chi phí, trong khi hệ thống y tế cũng giảm bớt áp lực do phải xét nghiệm quá nhiều.
Để thực hiện được việc này, các doanh nghiệp cần được cơ quan y tế hỗ trợ tập huấn kỹ thuật lấy mẫu, đọc kết quả và bảo hộ phòng ngừa lây nhiễm. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống quản trị y tế nội bộ, đáp ứng các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc tự xét nghiệm COVID-19 bản thân doanh nghiệp cũng không thể tự làm được mà phải có cơ quan y tế địa phương kiểm tra, phân tích đưa ra kết quả cho doanh nghiệp. Nếu không có y tế địa phương thì sẽ rất khó triển khai.
Ngoài ra, việc xét nghiệm để ngăn ngừa F0 và lây lan dịch bệnh là kịp thời nhưng quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp phải làm tốt việc truy vết, kiểm soát người lao động của mình tại khu vực sản xuất. Doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo cơ quan y tế tình hình dịch bệnh hàng ngày, hàng giờ cũng như có phương pháp kết nối với y tế địa phương. Từ đó phản ánh kịp thời, không để quá chậm trễ nếu xuất hiện F0, dẫn đến ảnh hưởng cả hệ thống y tế -xã hội chứ không chỉ là trong khu công nghiệp hay tại doanh nghiệp.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, Chính phủ vẫn lo lắng chất lượng của tự xét nghiệm tại doanh nghiệp là đúng. Do vậy, cần có giải pháp mang tính khoa học, để đạt được mức độ an toàn trên 90% khi áp dụng. Có thể áp dụng để doanh nghiệp tự xét nghiệm một cách từ từ, từng cụm nhỏ rồi mở rộng dần dần. Hiệp hội cũng đang soạn thảo quy trình và cách thức để tiếp tục kiến nghị sớm nhất.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng khó khăn từ đầu tháng 6/2021 khi nhiều địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Việc tạm ngưng hoạt động khiến nhiều đơn hàng phải huỷ, công nhân tạm nghỉ, doanh nghiệp cũng cố gắng phụ cấp, san sẻ khó khăn với người lao động, song gánh nặng tài chính lại đè nặng lên vai doanh nghiệp. Nếu tình hình này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ khó lòng trụ vững. Vì vậy, vaccine và kiểm soát người lao động thật chặt chẽ vẫn là chìa khoá để cứu doanh nghiệp.
Những hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế trong vấn đề xét nghiệm và tiêm vaccine sẽ giúp doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất. Việc này không chỉ đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, người lao động đảm bảo việc làm và thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp có thể sẻ chia cùng Chính phủ trong quản lý người lao động, tránh gây bùng phát dịch bệnh tại địa phương.