Trả lời phỏng vấn bên lề lễ khai mạc Tuần hàng Việt Nam trong hệ thống AEON ở Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam nói: “Năm nay là năm thứ hai quả vải của chúng ta có mặt ở thị trường Nhật Bản. Thắng lợi của quả vải Việt Nam trong năm đầu tiên thâm nhập vào thị trường này đã tạo nên sự hưng phấn và đón chờ rất lớn của người tiêu dùng Nhật Bản. Vì thế, năm nay, số lượng vải nhập khẩu vào Nhật Bản tăng lên rất nhiều".
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, việc quả vải Việt Nam có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản sẽ giúp cho người nông dân thay đổi cung cách sản xuất, chế biến và bảo quản để đảm bảo chất lượng quả vải. So với năm 2020, năm nay, giá bán ra của người nông dân được nâng cao rất nhiều, giúp người nông dân nâng cao đời sống của mình.
Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: “Điều quan trọng là sau khi vào được thị trường Nhật Bản, uy tín của quả vải Việt Nam cũng tăng lên. Kim ngạch xuất khẩu vải sang Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Singapore (Xin-ga-po) đều tăng. Điều này tạo ra hiệu ứng dây chuyền để quả vải Việt Nam có thương hiệu trên toàn cầu, và từ đó giúp người trồng vải bán được nhiều sản phẩm hơn và có thu nhập cao hơn”.
Mặt khác, theo Đại sứ, sau khi quả vải thâm nhập thành công vào Nhật Bản, những người trồng các hoa quả khác cũng phải nhìn theo để học hỏi, từ đó các nông sản khác của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường này và các thị trường khó tính khác.
Mặc dù vậy, Đại sứ Vũ Hồng Nam cảnh báo việc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản đã khó nhưng việc duy trì chỗ đứng ở thị trường này còn khó hơn nhiều. Ông nói: “Chúng ta đã lấy được lòng tin của khách hàng, chúng ta phải giữ được lòng tin đó. Nếu chỉ một lô sản phẩm, nếu chỉ một nhóm hàng nào đó có chất lượng kém hơn so với những gì chúng ta đã quảng bá, chúng ta sẽ mất uy tín, và một khi đã mất uy tín, việc lấy lại uy tín đó rất là khó”.
Do đó, Đại sứ Vũ Hồng Nam khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư thêm các trang thiết bị và công nghệ mới phục vụ cho việc bảo quản để làm sao quá trình vận chuyển hàng hóa không bị ảnh hưởng về chất lượng. Bên cạnh đó, người nông dân cần phải tuân thủ các quy trình sản xuất, tuyệt đối không để dư thừa các loại hóa chất, cũng như các chất độc hại trong sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Cùng chung quan điểm đó, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh nói: “Nhật Bản là thị trường hết sức khó tính. Chỉ cần một lô quả vải không đảm bảo tươi ngon hoặc không đạt chất lượng thì bao công sức của người trồng vải sẽ không còn ý nghĩa. Bởi vậy, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả vải thiều tươi giữ được chất lượng, giữ được thương hiệu và giữ vững thị trường khó tính bậc nhất thế giới này”.
Theo ông Tạ Đức Minh, tại địa phương trồng vải, chúng ta cần có quy hoạch hợp lý nhằm gia tăng diện tích vùng trồng vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cần tăng cường đầu tư cho việc xử lý và bảo quản quả vải để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Nhật Bản.
Liên quan tới kế hoạch của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh chia sẻ: “Năm 2021, chúng tôi có rất nhiều kế hoạch như tổ chức các chương trình và các triển lãm tại Nhật Bản để giới thiệu hàng nông sản Việt Nam tới nhiều người mua hàng cũng như các nhà nhập khẩu của Nhật Bản. Trong tháng 3, chúng tôi đã tham gia triển lãm Foodex Japan và giới thiệu các sản phẩm của 30 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu của Nhật Bản. Vào đầu tháng này, chúng tôi cũng tổ chức một cuộc hội thảo giao thương giữa hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản”.
Bên cạnh đó, theo ông Tạ Đức Minh, Thương vụ cũng tăng cường các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp nhập khẩu và các hệ thống siêu thị để giới thiệu và tìm cách đưa các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào các hệ thống bán hàng của họ. Ngoài ra, Thương vụ cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư các công nghệ trồng trọt và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giúp gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.