Ngoài tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đang có tỷ lệ giải ngân cao nhất nước lần lượt đạt 78,9% và trên 70%, một số bộ và địa phương nằm trong top có tỷ lệ giải ngân cao là: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (51,91%); Tiền Giang (67,3%); Tây Ninh (67,1%); Ninh Bình (65,7%); Thái Nguyên (65%)…
Tại buổi làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 6, với một số tỉnh Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên và Sóc Trăng, đại diện các địa phương này cho biết: Ước 8 tháng năm nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An đạt 50,6%; Khánh Hòa đạt 40,1%; Sóc Trăng ước đạt hơn 42%; Phú Yên đạt 28,6%. Nhìn chung, các địa phương đã có chuyển biến về công tác giải ngân, tuy nhiên, tỉnh Phú Yên giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn bình quân chung cả nước (7 tháng năm nay là 29,93%; ước 8 tháng năm nay đạt 36,2%) là chưa đạt yêu cầu.
Kiểm tra chi tiết giải ngân các dự án trong 7 tháng năm nay (tính đến ngày 31/7/2022) cho thấy các địa phương đều còn tình trạng các dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân thấp so với kế hoạch vốn cả năm được giao (dưới mức bình quân chung cả nước là 30% kế hoạch). Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa 18 dự án, Phú Yên 26 dự án, tỉnh Nghệ An 55 dự án, tỉnh Sóc Trăng 26 dự án.
Qua báo cáo của 4 địa phương cho thấy: Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do vướng về thể chế, chính sách, như: Lĩnh vực đất đai, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn bất cập; về quy định đầu tư xây dựng đường quốc lộ và dự án liên vùng...
Đối với việc triển khai các dự án, thời gian qua, giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, đất, cát... tăng mạnh, dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt. Nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc thay đổi giải pháp thiết kế hoặc giảm quy mô đầu tư để đảm bảo nguồn lực triển khai. Một số gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định nên không thể điều chỉnh, các nhà thầu sẽ giãn tiến độ hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Hơn nữa, năm 2022 là năm bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, những tháng đầu năm hoàn tất thủ tục đầu tư, nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tổ công tác tiếp tục kiểm tra các địa phương có giải ngân chậm dưới 50%. Theo Bộ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, bởi nếu không đẩy nhanh giải ngân vốn sẽ hạn chế tăng trưởng, không thể hiện được vai trò như dòng vốn mồi dẫn dắt nền kinh tế. Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần báo cáo rõ tình hình giải ngân, nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và từ đó đề ra các giải pháp trong thời gian tới.
Kiểm tra tình hình các dự án tại thực địa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đẩy nhanh đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán nhằm thực hiện ngay việc giải ngân cho các dự án; tập trung chỉ đạo trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng - gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay. Bộ trưởng đề nghị cần quan tâm bố trí tái định cư, công tác tái định cư phải đi trước một bước, ổn định đời sống cho bà con, từ đó mới đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ được thực hiện theo phương châm “nói là làm”, do đó, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn, nhất là những dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay chưa giải ngân vốn để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.