Tàu bay của VietJet Air đi từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo đó, để khắc phục những hạn chế của hệ thống đường bay hiện tại (đường bay 2 chiều trục Bắc - Nam), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn Cục Hàng không Việt Nam, và các cơ quan quân sự liên quan triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường bay cao tốc, song song, một chiều trục Bắc - Nam dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến (RNAV5) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO).
Hệ thống đường bay này đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, sẽ ưu tiên cho các chuyến bay có cự ly bay dài, ở mực bay cao tối ưu; loại tàu bay hiện đại, phổ biến hiện nay; theo hình thức đường cao tốc trên không giữa các sân bay lớn (Hệ thống đường bay này trên thế giới gọi là Sky Highway).
Hệ thống đường bay này phân tách luồng hoạt động bay từ một luồng 2 chiều hiện tại thành 2 luồng hoạt động bay một chiều, có thể nâng gấp đôi năng lực thông qua tàu bay trên trục bay Bắc – Nam, giúp giải tỏa được các xung đột về quỹ đạo của các tàu bay khi tăng, giảm độ cao, giảm thiểu xung đột luồng đi và đến; giúp cho các tàu bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu hơn, giảm tải cho các kiểm soát viên không lưu và tổ lái; rút ngắn thời gian bay trên cùng một lộ trình, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế và giảm bớt lượng khí thải phát ra môi trường.
Theo VATM, vùng thông báo bay của Việt Nam, nằm ở trung tâm hành lang kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm Tây và Tây Nam Á với Đông và Đông Bắc Á. Với mật độ bay trên 2.000 chuyến/ngày và tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 17%, đây là vùng có mật độ bay và tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Năm 2016, sản lượng điều hành bay của Việt Nam năm 2016 ước tính đạt trên 730.000 chuyến bay. Trong đó, đường bay trục Bắc - Nam của Việt Nam đang được xếp là một trong các đường bay có lưu lượng hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới, có gần 700 chuyến bay một ngày, chiếm khoảng 35% trên toàn mạng đường bay của Việt Nam.