Tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đầu mùa khô đến nay, lượng mưa thiếu hụt phổ biến từ 30 - 50% so với trung bình nhiều năm. Một số nơi hầu như không có mưa, thiếu hụt trầm trọng từ 80 - 100% như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL.
Dòng chảy trên hầu hết các sông, suối từ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đến ĐBSCL đều suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đạt mức thấp kỷ lục. Kéo theo đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, kể cả nước sinh hoạt…
Quản lý, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên nước là điều hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay.
Người dân xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, chống hạn. |
Để bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước trước hết cần tập trung đưa Luật Tài nguyên nước mới vào cuộc sống bằng các biện pháp quyết liệt hơn, thực thi mạnh mẽ chế tài để bảo đảm pháp luật được thực thi bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn pháp luật. Cụ thể là công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; triển khai các biện pháp giám sát việc bảo đảm thực thi pháp luật về tài nguyên nước, nhất là đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước có tác động mạnh mẽ đến nguồn nước như các hồ chứa, các cơ sở xả nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm nước, bằng việc áp dụng công nghệ tự động, liên tục, trực tuyến.
Cùng với quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước là triển khai quy hoạch tài nguyên các lưu vực sông liên tỉnh và của các địa phương; tăng cường nguồn lực cho điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo sớm về diễn biến mưa, lũ, dòng chảy, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm về nguồn nước trên các lưu vực sông. Việc vận hành điều tiết nước để chống lũ, cấp nước cho hạ du bằng công nghệ tự động, trực tuyến phải được thực thi, giám sát có hiệu quả.
Tài nguyên nước liên quan đến nhiều quốc gia nên cần vận động, hợp tác với các quốc gia ở thượng nguồn thực hiện khai thác, sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các quốc gia theo các nguyên tắc, chuẩn mực chung của Công ước quốc tế và Hiệp định Mê Kông. Trước hết, là việc vận hành các hồ chứa nước trên dòng chính sông Mê Kông và các dòng nhánh để điều tiết nước cho hạ du, bảo đảm dòng chảy tối thiểu đến từng quốc gia có chung nguồn nước; trong đó, có vùng ĐBSCL.
Chính phủ đã có Nghị quyết, Chỉ thị và tổ chức nhiều hội nghị để bàn biện pháp, triển khai thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình nhằm chống hạn, mặn cho trước mắt cũng như lâu dài. Các địa phương và cả hệ thống chính trị đang tập trung cho công tác chống hạn, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn. Cục Quản lý tài nguyên nước cũng tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ hồ và các địa phương thực hiện theo đúng Quy trình liên hồ đã được Thủ tướng ban hành, đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý những trường hợp không tuân thủ nghiêm túc Quy trình.
Nếu các chủ hồ thực hiện nghiêm túc Quy trình các hồ chứa cộng với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương thì vẫn có thể cân đối nguồn nước được trữ từ các hồ chứa, bảo đảm điều tiết cung cấp đủ nước cho khu vực hạ du của 11 lưu vực sông lớn, quan trọng trong trường hợp hạn hán khắc nghiệt như năm nay.
Về đầu tư các công trình thủy điện, thủy lợi cần bảo đảm hài hòa công tác phòng chống hạn, lũ với các nhiệm vụ của công trình như cấp nước, phát điện...; bảo đảm yêu cầu sử dụng tổng hợp hiệu ích của công trình, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước.
Hiện nay, nhiều công trình, nhất là hồ chứa lớn, quan trọng đã được đầu tư xây dựng trước đây, mặc dù chưa tính toán đến yêu cầu sử dụng tổng hợp nêu trên, nhưng cũng đã được bổ sung nhiệm vụ phòng, giảm lũ, cấp nước cho hạ du. Các nhiệm vụ này còn được ưu tiên trước cả nhiệm vụ phát điện. Trên nguyên tắc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông. Trong điều kiện khắc nghiệt như hiện nay, các hồ được vận hành theo quy trình cộng với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương thì việc cân đối nguồn nước được trữ từ các hồ chứa sẽ bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cho hạ du cho đến hết mùa cạn.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là bài học quý báu cho Việt Nam nghiên cứu, học tập để có thể áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việt Nam đang phối hợp, hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế như Hà Lan, WB, JICA, ADB, KOI KA... để tìm kiếm sự hỗ trợ cả về kinh nghiệm, năng lực, tài chính để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề lũ lụt, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.
Những giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hay những cơ chế điều tiết liên hồ chứa... cũng xuất phát từ kinh nghiệm của quốc tế mà Việt Nam đã thể chế hóa thành các quy định của pháp luật và đang triển khai cùng là những biện pháp quan trọng để hạn chế tình trạng thiếu nước, khan hiếm nước trong điều kiện khắc nghiệt như hiện nay.