Khi chưa bùng phát dịch COVID-19, kinh tế sôi động, phố xá sầm uất thì hình ảnh xe buýt khá quen thuộc trên đường phố Hà Nội. Xe buýt được xác định là phương tiện công cộng phổ biến và hữu hiệu để giải quyết ách tắc giao thông và nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên, gần hai năm qua trải qua nhiều đợt dịch, loại hình này đang lao đao bởi nhiều lý do.
Khó khăn trong hai mặt đối lập
Sở dĩ hiện nay người dân tham gia xe buýt chỉ phải trả tiền với mức giá thấp là do mỗi năm thành phố Hà Nội trợ giá hàng nghìn tỷ đồng để khuyến khích đi lại bằng phương tiện công cộng, giảm gánh nặng ách tắc giao thông. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều người có thói quen và lựa chọn phương tiện là xe buýt.
Thời gian qua, dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát kéo theo nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ngưng trệ, thậm chí những lúc giãn cách xã hội thì vai trò xe buýt rất mờ nhạt. Xe buýt xuất hiện như hai mặt đối lập khi thì hoạt đông căng sức giữa đô thị đông đúc chật hẹp, lúc thì đìu hịu “đắp chiếu” bỏ tuyến nằm bến do dịch ít người đi lại.
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong 7 tháng năm 2021 ước đạt trên 172,3 triệu lượt hành khách, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu xe buýt trợ giá ước đạt 213,7 tỷ đồng, giảm 45,2 tỷ đồng, tương đương giảm 17,5% so với cùng kỳ. Như vậy, so với kế hoạch giảm 299,1 tỷ đồng, tương ứng với giảm 58,3%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sụt giảm như thành phố thực hiện giãn cách xe buýt không được chở quá 50% sức chứa và không quá 20 người trên xe. Học sinh, sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán và nghỉ học kéo dài nhiều đợt. Nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, đền chùa đóng cửa. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường chính sách miễn phí cho người cao tuổi và nhân khẩu hộ nghèo (đến nay có trên 394 nghìn thẻ miễn phí) dẫn tới sụt giảm doanh thu.
Tiếp đến là tình hình giao thông những tháng đầu năm diễn biến phức tạp, phương tiện cá nhân tiếp tục tăng, tốc độ tăng trưởng ô tô đạt 10,1% và xe máy đạt 5,5%/năm. Đến nay, thành phố có 869 nghìn ô tô, 6,1 triệu xe máy, 167 nghìn xe máy điện. Thành phố có 37 điểm ùn tắc giao thông; trong đó, 26 điểm chuyển tiếp năm 2020 và 11 điểm mới phát sinh.
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong 2 quý đầu năm nay, có 2.728 lượt xe bỏ tuyến; trong đó có 47,8% lượt xe bỏ do tắc đường; trên 40.000 lượt xe phải điều chỉnh tạm thời lộ trình, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc thi công các công trình trọng điểm như đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; hầm chui Lê Văn Lương đã ảnh hưởng không nhỏ hoạt động xe buýt. Trong những tháng đầu năm phải thực hiện 20 lần điều chỉnh đối với 34 tuyến buýt.
Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hành khách công công bằng xe buýt trong những tháng đầu năm cũng chịu sự cạnh tranh trực tiếp của các loại hình vận tải. Sự gia tăng về số lượng và loại hình xe công nghệ, xe hợp đồng như Grab bike, Grab taxi, Be, dichung, taxigo, xe Limousine bởi tính cơ động, tiện lợi. Đến thời điểm này, thành phố có gần 20 nghìn taxi truyền thống; 19 nghìn taxi công nghệ; 61 nghìn xe hợp đồng.
Đề cập vấn đề này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa đủ hấp dẫn số đông hành khách do thời gian di chuyển chưa đảm bảo. Hiện tại xe buýt vẫn phải vận hành chung và phụ thuộc rất nhiều vào dòng giao thông hỗn hợp, tình trạng ùn tắc giao thông cũng khiến tốc độ lưu thông của xe buýt giảm xuống. Trong vòng 10 năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt đã giảm từ 15 - 17%.
Đánh giá về những hạn chế trong quản lý, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, thông tin tuyên truyền để người dân biết và sử dụng xe buýt vẫn còn hạn chế, chưa đa dạng về hình thức và nội dung. Hoạt động thông tin tuyên truyền chủ yếu qua các chương trình, tiêu điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng và còn thiếu các hoạt động cụ thể trên mạng lưới vận tải hành khách công cộng nên chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Thời cơ để đổi mới toàn diện
Để duy trì tốt hoạt động của loại hình xe buýt, thời gian qua Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, siết chặt tính nghiêm minh trong điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ để xe buýt ngày càng thân thiện với người dân.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định đây là thời kỳ rất khó khăn, nhưng không vì thế mà trông chờ và coi đây là thời cơ, khoảng trống để toàn ngành nỗ lực, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, chờ thời để hoạt động trở lại.
Những tháng đầu năm 2021, tận dụng thời gian “nhàn rỗi” do thực hiện giãn cách xã hội, ngành giao thông Hà Nội thực hiện đồng bộ, đổi mới đồng loạt trên tất cả các lĩnh vực xe buýt, triển khai lắp mới 656 điểm dừng, nâng tổng số điểm dừng lên trên 4.212 điểm; 629 lượt duy tu hạ tầng, hoàn thành thí điểm mẫu biển báo mới tại điểm dừng Kim Mã.
Đơn vị đã thực hiện đầu tư, thay mới 165 xe đối với 16 tuyết buýt. Hiện nay, số phương tiện tham gia toàn mạng là 2.086 xe; trong đó, xe buýt trợ giá là 1.831 xe; 102 xe, chiếm 5,7% sử dụng nhiên liệu sạch; 876 xe, đạt 47,9% tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Đến nay, đoàn xe có tuổi bình quân ở mức thấp chỉ còn 4 năm, hầu hết các xe đều trang bị các tiện ích phục vụ hành khách hệ thống thông báo âm thanh, hệ thống thông tin bằng bảng LED, camera (100%), riêng wifi miễn phí (chiếm 8,4%).
Việc kiểm tra, giám sát, điều hành xe buýt luôn được chú trọng và được tổ chức hợp lý, linh hoạt hơn. Sở đã thực hiện 7.583 lượt kiểm tra, giám sát, tăng 200% so với cùng kỳ và đã phát hiện xử lý hàng trăm vi phạm. Qua hoạt động này, góp phần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, quản lý tốt doanh thu, cải thiện chất lượng vận hành, số vi phạm giảm 13,06%, vi phạm doanh thu giảm 23%, số lượt xe quay đầu giảm 75,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian này, ngành giao thông vận tải cũng đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, thường xuyên chỉ đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội cập nhật thông tin về luồng tuyến, hạ tầng, biểu đồ vận hành các tuyến buýt cho ứng dụng “tìm buýt”. Triển khai việc đăng ký làm thẻ vé tháng, thẻ xe buýt miễn phí ngay trên điện thoại smartphone thông qua ứng dụng này và trang web của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng.
Đồng thời, lắp camera giám sát cho toàn bộ 1831 xe buýt trợ giá hỗ trợ cho quản lý chất lượng dịch vụ, xử lý vi phạm, kiểm tra giám sát hành vi và ứng xử của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Sử dụng hệ thống GPS, mạng xã hội Zalo trong kiểm tra, giám sát trên tuyến, hậu kiểm và điều hành hàng ngày…
Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ, hiệu quả quản lý, chất lượng dịch vụ được cải thiện tích cực. Trong khi mạng lưới tuyến tiếp tục mở rộng, tuyến tăng 13,5%, xe tăng 8,9%, nhưng nhân sự kiểm tra giám sát lại giảm 19%, vi phạm giảm 13,06%, số lượt đảm bảo yêu cầu tăng 12,3%.
Trong những tháng đầu năm, thông qua đường dây nóng của Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý 253 thông tin phản ánh, hỏi đáp về chất lượng dịch vụ, góp phần giúp nhân dân hài lòng hơn với chất lượng dịch vụ xe buýt.
Vừa qua, ngành giao thông cũng chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tổ chức khai thác hiệu quả hệ thống 8 màn hình LED để tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Bài cuối: Cân nhắc về buýt nhanh BRT