Những ngày giữa tháng 7 vừa qua, thị trường vàng trong nước biến động mạnh với những phiên rơi thẳng đứng. Đây có thể coi là đợt biến động mạnh nhất của giá vàng kể từ đầu năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, đó không còn là vấn đề nóng hổi trong câu chuyện của người dân tại quán nước ven đường hay ngoài chợ, đặc biệt là đối với những người “tay hòm chìa khóa”.
Khách hàng rất thưa thớt mua vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Đã giảm sức hấp dẫn
Rõ ràng, vàng đang mất đi vị thế của mình và đang làm nản lòng người dân. Nhìn lại từ năm 2013, một loạt các giải pháp mạnh đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm “ghìm cương” giá vàng. Cùng với việc triển khai những quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đã kiên quyết thực hiện lộ trình nhằm chấm dứt hoạt động huy động, cho vay bằng vàng, qua đó giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Cũng trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu tăng cung vàng miếng trên thị trường, từng bước cân bằng cung cầu vàng miếng, từ đó không còn tình trạng làm giá, góp phần quan trọng duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước những diễn biến tích cực của thị trường vàng, từ đầu năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cần tổ chức đấu thầu bán vàng miếng. Thị trường kim loại quý trong nước đã được sắp xếp lại một cách cơ bản. Trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo.
Và diễn biến thị trường vàng trong nước những ngày tháng 7 như một “phép thử” minh chứng cho điều này. Quan sát thị trường vàng trong đợt giảm giá vừa qua có thể thấy, mặc dù giá vàng có thời điểm giảm tới 1 triệu đồng/lượng trong 1 ngày nhưng thị trường vẫn không có biến động. Đà rơi này nếu như trong những năm trước sẽ khiến thị trường “lên cơn sốt”, hấp dẫn kẻ bán người mua tấp nập thì nay, tình trạng xếp hàng mua bán vàng đã trở nên hiếm hoi. Cũng trong thời gian qua, mặc dù giá vàng thế giới có biến động, nhưng trong nước vẫn giữ được sự ổn định về giá, không còn những cơn nóng lạnh trên thị trường, giới đầu cơ không có cơ hội tạo sóng, làm giá, thao túng thị trường để kiếm lời như trước đây. Điều đó cho thấy người dân và giới đầu cơ dường như ngày càng “lạnh nhạt” với vàng.
Ông Trần Nhật Nam, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết, so với vài năm trước, thị trường vàng ngày càng diễn biến ảm đạm. Thị trường đang trầm lắng cả ở chiều mua vào và bán ra, những giao dịch lớn hầu như đã vắng bóng.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao. Toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn. Sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm đáng kể, cung cầu vàng miếng chuyển dịch từ trạng thái thiếu hụt nguồn cung sang xu hướng cân bằng. Một phần nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong nền kinh tế đã được chuyển hóa thành tiền.
Có nên đầu tư ?
Sau khi lập kỷ lục 1.923,7 USD/ounce vào ngày 6/9/2011, giá vàng thế giới bắt đầu giảm dần sau những tín hiệu tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, xu hướng vàng giảm giá thể hiện ngày càng rõ nét khi kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi vững chắc, tiếp sức cho thị trường chứng khoán và hỗ trợ USD tăng giá. Trong tháng 7/2015, giá vàng thế giới đã giảm 7% so với tháng trước và đang đứng ở mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua.
Về nguyên nhân đẩy vàng giảm giá và liên tục dò đáy mới, các chuyên gia về vàng đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là USD tăng vững so với hầu hết những đồng tiền khác, nhất là các đồng tiền chủ chốt như yen Nhật, euro, bảng Anh. Yếu tố quan trọng thứ hai là, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc đã khiến nhu cầu vàng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này trầm lắng.
Còn ở trong nước, giá kim loại quý đã “bốc hơi” tới 2 triệu đồng mỗi lượng, tương đương với gần 6% giá trị. Chỉ tính riêng trong trong tháng 7, giá vàng đã giảm tới 1,5 triệu đồng/lượng. Còn so với thời điểm cuối năm 2011 khi giá vàng lên đến đỉnh điểm là 49 triệu đồng/lượng thì giá vàng hiện nay đã giảm tới 16 triệu đồng/lượng, chỉ còn khoảng 33 triệu đồng/lượng.
Như vậy, diễn biến trên cho thấy, người cầm vàng trong suốt 5 năm qua đã chịu lỗ nặng. Và đầu tư vào vàng đang chứng tỏ là một kênh đầu tư kém an toàn. Theo các chuyên gia kinh tế, với tình hình hiện nay, vàng không còn là kênh “béo bở” để đầu tư bởi rủi ro cao. Nhiều phân tích cho thấy giá vàng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, ai đang đứng ở “thềm” thị trường vàng hay có nhu cầu đầu cơ chớ nên nhảy vào mua vàng lúc này, khá nguy hiểm vì vẫn còn đang biến động. Tuy nhiên, nhà đầu tư có nhu cầu tích trữ thì vẫn có thể giữ lại vàng để chờ những đợt sóng. Còn đối với những người đang cầm vàng, sự lo lắng rất lớn vì trên sổ sách họ đang mất tiền.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thì cho rằng về dài hạn vàng vẫn như các kênh đầu tư khác, nó sẽ vẫn còn độ hấp dẫn. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh trước thông tin về giá vàng. Vàng đã qua thời điểm cứ bỏ ống là có lãi, nhưng vẫn luôn có “sóng”, kể cả trong những đợt giảm giá. Điều này đồng nghĩa, thời điểm này, cơ hội đầu tư vàng chỉ còn đúng với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, vàng vẫn là công cụ tích trữ bảo đảm an toàn tài chính dài hạn, nhưng sẽ không mang lại “cơ hội vàng” cho giới đầu cơ trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2015.
Vị chuyên gia này phân tích, thị trường vàng trong nước năm 2015 tuy biến động chậm hơn nhưng cơ bản chịu tác động của thị trường vàng thế giới. Đồng thời, thị trường vàng trong nước có đặc thù là chịu sự quản lý của Nhà nước khá ngặt nghèo, thiếu sự đa dạng các kênh, công cụ kinh doanh và không có sự liên thông trực tiếp với thị trường thế giới.
Thêm nữa, sự độc quyền nhập khẩu vàng và gia tăng kiểm soát chống đầu cơ và các hoạt động buôn bán trái phép vàng, ngoại hối khiến chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới thường xuyên ở mức từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/lượng so với mức chỉ trên dưới 400.000 đồng thời điểm năm 2010 (khi đó giá vàng thế giới vào khoảng 1.320 USD/ounce và giá trong nước lúc đó là 34,4 triệu đồng/lượng). Trong bối cảnh chênh lệch giá vàng nội, ngoại cao và khan hiếm nguồn cung đó, các hoạt động kinh doanh vàng “lướt sóng” trở nên rủi ro cao. Các nhà đầu tư khó phản ứng kịp thời với giá thị trường thế giới bởi không thể chủ động nguồn cung vàng và chịu sự điều tiết giá cả từ Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, động lực kinh doanh vàng không mạnh còn do kinh tế vĩ mô đầu năm của Việt Nam khá tích cực, tạo lòng tin vào giá trị tiền đồng và triển vọng kinh tế, với tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong 5 năm qua, lạm phát thấp và tỷ giá khá ổn định. Đồng thời, thu nhập của người dân và doanh nghiệp ít đột biến, trong khi lãi suất khá mềm dẻo, có lợi cho người gửi tiền tiết kiệm hơn là giữ vàng... Tất cả đang khiến giao dịch vàng trở lên trầm lắng.