Theo các chuyên gia, kim loại quý sẽ vẫn là kênh đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn.
Ở phiên đầu tuần, giá vàng trong nước sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá vàng châu Á giảm khoảng 1% và đang hướng tới tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016, do hy vọng về vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể giúp nền kinh tế phục hồi trở lại khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản mang tính rủi ro hơn.
Sang phiên 1/12, kim loại quý trong nước đã rời khỏi mốc 54 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới giảm mạnh. Vắc-xin ngừa COVID-19 được cho là sẽ được phân phối trong những tuần tới, khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản rủi ro hơn.
Đà giảm đã dừng lại trong phiên 2/12 khi giá vàng thế giới phục hồi từ mức thấp của 5 tháng trong bối cảnh đồng USD giảm do những kỳ vọng về gói kích thích kinh tế từ Mỹ đã làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng như là "nơi trú ẩn an toàn" trong thời kỳ lạm phát. Giá vàng trong nước theo đó đảo chiều tăng mạnh và lấy lại mốc 55 triệu đồng/lượng.
Trong phiên tiếp theo đó, triển vọng lạc quan về gói kích thích mới của Mỹ đã củng cố sự hấp dẫn của kim loại quý này như một hàng rào chống lại lạm phát và đẩy đồng USD xuống mức đáy trong nhiều năm qua. Giá vàng trong nước theo đó vẫn giữ vững trên mốc 55 triệu đồng/lượng.
Sang phiên cuối tuần, kim loại quý trong nước lại quay đầu giảm nhẹ trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm nhẹ khi giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán ra chốt lời, cùng những thông tin sáng về triển vọng phát triển và phân phối vắc-xin ngừa COVID-19.
Cuối giờ sáng 5/12, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,6 - 55,27 triệu đồng (mua vào - bán ra).
Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 54,77 - 55,27 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng khoảng từ 500 - 700 nghìn đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên trong bốn tuần.
Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty tài chính Oanda cho biết: “Vàng đã bị ‘bỏ rơi’ sau các thông báo tích cực về vắc-xin ngừa COVID-19” nhưng sau đó được “chào đón trở lại trước thông tin các cuộc đàm phán về kích thích kinh tế đang được tiến hành ở Mỹ”.
Bên cạnh đó, nhận định về chuyển động của thị trường kim loại quý trong tuần qua, Tai Wong, người đứng đầu công ty cung cấp các dịch vụ phái sinh kim loại quý tại BMO cũng cho rằng: "Giới đầu tư đã đẩy mạnh hoạt động bán ra chốt lời sau bốn ngày giá vàng bật tăng mạnh mẽ và tiến đến gần ‘ngưỡng cản’ quan trọng 1.850 USD/ounce”.
Nhận định về những diễn biến tiếp theo của giá vàng, chuyên gia phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho rằng: "Các điều kiện như xu huớng giảm giá đồng USD, môi trường lãi suất thấp, những lo ngại về tỷ lệ lạm phát và kỳ vọng về chính sách kích thích tài khóa mới nhiều khả năng sẽ khiến vàng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới".
Đồng quan điểm này, Jeff Wright - Phó Chủ tịch điều hành của công ty dịch vụ về vàng GoldMining Inc, nhận định kim loại quý này sẽ tiếp tục tăng giá trong tuần tới nhờ tâm lý muốn tìm đến “nơi trú ẩn an toàn” của giới đầu tư, giữa bối cảnh Chính phủ Mỹ đối mặt nguy cơ phải đóng cửa nếu không thể thông qua dự luật tài trợ chính phủ.
Cùng với đó, các nhà phân tích cũng cho rằng mặc dù thông tin tích cực về quá trình phát triển và phân phối vắc-xin có thể khiến vàng giảm giá trong nhất thời, song kim loại quý này sẽ không vì thế mà trở nên kém hấp dẫn hơn trong quá trình khắc phục các khó khăn về kinh tế.
Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích trưởng công ty dịch vụ ActivTrades, nói: “Giờ đây, các nhà đầu tư đang nhận ra rằng vàng sẽ vẫn sẽ là kênh đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, vì các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải tiếp tục in thêm tiền để duy trì nền kinh tế”.