Vật liệu xây dựng tăng giá, thêm áp lực cho các dự án

Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã tăng giá ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án, công trình, nhà thầu và việc lập dự toán, quyết toán...

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Trọng Lịch/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Long, thành phố Bắc Giang phản ánh, hơn chục năm nay, giá thép mới lại tăng mạnh như thế này. Năm trước, khi doanh nghiệp trúng thầu công trình thì giá thép chỉ khoảng 17 triệu đồng/tấn mà nay đã tăng thêm hoảng 4 triệu đồng/tấn. Những công trình sử dụng hàng trăm tấn thép thì chi phí tăng thêm không nhỏ.

Không chỉ có vậy, giá xi măng, cát, sỏi, nhân công, ca máy cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, hợp đồng ký với chủ đầu tư lại theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định nên nhà thầu không chỉ giảm lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không có biện pháp ứng phó và được tháo gỡ khó khăn kịp thời. Hiện là nhà thầu của nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nên việc biến động của giá vật liệu xây dựng đang khiến doanh nghiệp này lo lắng. Đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều doanh nghiệp xây dựng.  

Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có 90 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm. Thị trường xi măng cung vượt cầu ở mức cao. Bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng. Than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng nhưng giá than tăng rất mạnh. Trong quý I/2022, giá xi măng tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn, mức tăng khoảng 1-3% so với quý IV/2021 và tăng từ 11-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Các loại vật liệu như cát, đất đắp, đá xây dựng nhìn chung trong những tháng đầu năm không có sự biến động nhiều. Chủ yếu các vật liệu này cần lượng lớn phục vụ cho các công trình hạ tầng, đặc biệt như dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang chuẩn bị khởi công và các công trình khác đang tái khởi động lại sau dịch COVID-19. Hiện giá đất đắp trung bình tại các mỏ là từ 35.000-40.000 đồng/m3, giá cát trung bình đến hiện trường công trình là 337.000 đồng/m3 và giá đá khoảng 224.000 đồng/m3.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện nay giá nhiên liệu đặc biệt là xăng dầu đang tăng cao do căng thẳng giữa Nga và Ukraine dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Vì vậy, dự báo trong quý II và các quý tiếp theo trong thời gian tới sẽ có sự tăng giá đối với các loại vật liệu này.

Tương tự, trước ảnh hưởng từ thị trường thép thế giới và xu thế tăng của các nguyên liệu đầu vào sản xuất, giá thép trong nước quý I cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, bắt đầu từ giữa tháng 2 đến thời điểm hiện nay, giá thép xây dựng trên cả nước đã bắt đầu tăng mạnh; mức tăng giá từ 600-1.200 đồng/kg. Hiện giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng 2 và tháng 1 là 3,5% và 7,5%.

Đến nay, giá thép chưa có dấu hiệu giảm xuống. Giá thép xây dựng các loại hiện nay khoảng 18.600-20.600 đồng/kg tại các khu vực Bắc, Trung, Nam (giá thép tròn tại nhà máy trung bình sau thuế VAT của Hòa Phát, miền Nam, Việt Nhật lần lượt là 18.300 đồng/kg, 18.600 đồng, 19.000 đồng/kg...; giá thép hình các loại trung bình khoảng 20.600 đồng/kg). Trung bình quý I, giá thép xây dựng các loại khoảng 18.890 đồng/kg, tăng 3,5% so với quý IV/2021.

Trước khó khăn này, một nhà thầu chia sẻ họ đã chọn giải pháp thay vì thi công cầm chừng chờ giá vật liệu xây dựng xuống thì phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng từ giá vật liệu có thể tiếp tục tăng; đồng thời, triệt để tiết kiệm các chi phí khác. Thậm chí, doanh nghiệp còn huy động nguồn vốn của cổ đông và vốn tự có của đơn vị để chủ động mua đầy đủ vật liệu xây dựng phục vụ thi công. Mặt khác tăng giờ làm, đẩy nhanh tiến độ công trình...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh nhận định, việc liên tục tăng giá vượt ngoài khả năng dự báo và tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói...

Điều này dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án. Giá vật kiệu xây dựng tăng cao còn dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện có khả năng bị đội vốn, chi phí thực hiện vượt so với tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt. 

Để kiểm soát, bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, trách các hiện tượng lợi dụng khả năng cung để đầu cơ, thổi giá, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ theo dõi thông tin thị trường giá xây dựng, bất động sản, dịch vụ hạ tầng đô thị để kịp thời tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng. Dự báo các kịch bản trong trường hợp biến động giá vật liệu làm cơ sở tham mưu cơ chế, chính sách điều hành của Chính phủ.

Cùng đó, trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, hiện Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; tập trung lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Xây dựng hoàn thiện Đề án Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng khi có ý kiên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi tên Đề án; Đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; tham gia Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Kinh tế Trung ương.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Thông tư số 13 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; vật liệu cho khu vực biển đảo; quản lý tốt việc đánh giá hợp quy, chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng để vừa bảo vệ sản xuất trong nước, vừa quản lý tốt các vật liệu nhập khẩu.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu.

Thu Hằng (TTXVN)
Cho phép điều chỉnh kéo dài kỳ quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Cho phép điều chỉnh kéo dài kỳ quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Việc điều chỉnh kéo dài kỳ quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng và quy hoạch khoáng sản làm xi măng đến khi Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN