Đại diện VEC cho biết, đơn vị đang làm chủ đầu tư của 6 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 583 km; trong đó 3 dự án về cơ bản đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 350 km. Các dự án còn lại dự kiến đến năm 2019 sẽ hoàn thành đầu tư.
“Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đầu tư xây dựng được 1.000 km đường cao tốc, VEC cần phải huy động vốn đầu tư mới khoảng 420 km. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc huy động vốn trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: TTXVN |
Vì vậy, việc nghiên cứu phương án nhượng quyền có thời hạn quyền khai thác các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, trước mắt là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là phù hợp và cần thiết”, đại diện VEC cho biết.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VEC, việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam . Trên cơ sở đó, VEC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc.
Nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng 3 tiêu chí: có kinh nghiệm đầu tư các dự án nhượng quyền cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; có năng lực về tài chính; có năng lực về vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc.
Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư tiềm năng sẽ cùng với đơn vị chủ đường thành lập doanh nghiệp dự án (SPV) để vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong đó, VEC đề xuất lựa chọn phương án góp một phần vốn, tham gia vào điều hành hoạt động của SPV nhằm phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm của VEC nhà đầu tư trong SPV.
Điều này, giúp VEC giữ được thương hiệu, kinh nghiệm, năng lực của mình, đồng thời học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm từ nhà đầu tư trong lĩnh vực vận hành, khai thác đường cao tốc.
Theo phương án này, về cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự kiến, VEC đề xuất vốn chủ sở hữu chiếm 30% giá trị nhượng quyền; trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%.
Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của VEC và nhà đầu tư chiến lược trong khoảng từ 12-14%; nguồn vốn do doanh nghiệp dự án huy động từ các tổ chức tài chính chiếm 70%. Lãi vay huy động vốn đầu tư từ các ngân hàng trong nước khoảng 10% và lãi vay huy động từ các ngân hàng nước ngoài quy đổi sang VNĐ khoảng 8,5%.
Liên quan đến giá trị nhượng quyền, đại diện VEC cho biết, việc xác định giá trị nhượng quyền có thời hạn dựa trên cơ sở thu nhập ròng hàng năm trong tương lai của tuyến đường cao tốc với các thông số đầu vào gồm: Doanh thu, chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng thường xuyên, chi phí bảo dưỡng định kỳ, thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí lập đề án chi tiết và thuê tư vấn thẩm định giá, cơ cấu nguồn vốn,…
Trên cơ sở đó, VEC tính toán giá trị nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thời hạn 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư là 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%, giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính khoảng 9.171 tỷ đồng.
“Thời gian nhượng quyền như đề xuất là phù hợp với nhu cầu của VEC trong thời gian tới và kế hoạch thực hiện các công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ của dự án, cũng như kinh nghiệm quốc tế. Phí nhượng quyền sẽ được trả cho VEC và thanh toán thành 3 đợt, giá trị mỗi đợt bằng 1/3 giá trị nhượng quyền”, Tờ trình của VEC nêu rõ.
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) có chiều dài 50 km đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam , Nam Định và Ninh Bình. Dự án được khởi công tháng 1/2006 và hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 6/2012 với tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng.