Chia sẻ tại tọa đàm Đầu tư 2022 với chủ đề "Dòng tiền" do Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam tổ chức ngày 24/9 tại TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, kinh tế thế giới năm nay khá nhiều bất ổn với những diễn biến bất ngờ đến từ yếu tố địa chính trị đã khiến lạm phát ở nhiều nước trên thế giới gia tăng, các nền kinh tế lớn như Mỹ rơi vào suy thoái kỹ thuật. Các dự báo cũng cho thấy, kinh tế toàn cầu chỉ có thể tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.
"Dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định nhưng kinh tế Việt Nam được đánh giá tăng trưởng khá tốt, GDP được dự báo đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2022. Điều này nhờ vào các động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng cũng như các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công được đẩy mạnh", Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái tăng lãi suất điều hành và huy động là đúng thời điểm và hợp lý, giúp kiểm soát lạm phát và ổn định tỉ giá. Do đó, năm nay, lạm phát được dự báo sẽ dưới 4%, đồng thời tỉ giá vẫn sẽ được kiểm soát tốt.
Chia sẻ thông tin về việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam, theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam là thị trường hiếm hoi trong khu vực ở thời điểm này vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang thu hút so với các nước khác và chứng khoán vẫn là chọn lựa ưu tiên của người dân khi chọn đầu tư so với các kênh đầu tư khác.
Theo thống kê, có 4 yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến cho dòng vốn của họ. Đó là Việt Nam có nền chính trị ổn định, kinh tế phục hồi tốt, hội nhập sâu rộng với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và cuối cùng là nền kinh tế đang tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với những lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và dồi dào.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam đang đối diện với các diễn biến phức tạp từ kinh tế toàn cầu, tuy nhiên Việt Nam đang có mức tăng trưởng tốt. Dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và tăng 6,7% trong năm 2023. Với mức dự báo tăng trưởng như trên, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.
Tương tự, theo các chuyên gia của Manulife Investment Việt Nam, hiện định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) được xem là đang ở trong vùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, là cơ hội để đầu tư vào thị trường nhằm hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều điểm sáng và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, đại diện Công ty TNHH quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng trưởng ở mức 2 con số từ đầu năm 2022 đến nay; Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại lớn trong năm nay, là nguồn ngoại tệ lớn giúp bổ sung dự trữ ngoại tệ, ổn định giá trị đồng tiền nội tệ.
"Các ngành nghề được dự báo tăng trưởng tích cực trong giai đoạn kinh tế phục hồi như: đầu tư phát triển khu công nghiệp, điện - nước, cơ sở hạ tầng, logistics; ngành bán sỉ và bán lẻ nhờ sự hồi phục sức mua mạnh mẽ từ tiêu dùng nội địa và mùa mua sắm cao điểm cuối năm; du lịch và hàng không…", ông Nguyễn Đức Tuấn phân tích.