Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26, ngày 25/4, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom để thảo luận tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam-EU.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, với tư cách là nước điều phối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và EU, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thay mặt ASEAN trao đổi với Cao ủy EU về định hướng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ASEAN-EU, cụ thể là thông qua Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-EU giai đoạn 2015-2016. Phía EU đã đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai khối.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị cấp cao Á-Âu lần 10. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Về quan hệ song phương, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong thời gian hiện nay, trọng tâm trong quan hệ giữa hai bên là việc đàm phán và sớm đưa vào thực thi FTA Việt Nam-EU. Trong chuyến thăm EU vào tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã nhất trí về định hướng xử lý các vấn đề còn tồn tại để có thể sớm kết thúc đàm phán trong vòng vài tháng sau đó. Trên cơ sở định hướng này, hai bên đã đẩy nhanh đàm phán và đạt được nhiều tiến bộ trong tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Tại buổi gặp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Cecilia Malmstrom vui mừng nhận thấy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương đang phát triển mạnh mẽ và, trên cơ sở đó, đã thảo luận một số biện pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại trong thời gian tới. Về đàm phán FTA Việt Nam-EU, hai bên đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy đàm phán theo đúng chỉ đạo mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã đề ra. Với mục tiêu này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Cecilia Malstrom đã thảo luận các yếu tố chính của gói cam kết cuối cùng, đặc biệt là mở cửa thị trường (thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công); cũng như các quy định và quy tắc quản lý (đặc biệt là sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai bên; doanh nghiệp nhà nước; bảo hộ đầu tư; thuế xuất khẩu). Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đề nghị EU quan tâm và có cam kết tạo thuận lợi tối đa cho các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản... Đổi lại, Việt Nam cũng khẳng định sẽ đưa ra các cam kết mạnh mẽ về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp EU tại Việt Nam. Hai bên thống nhất việc hai đoàn đàm phán sẽ gặp nhau trong tháng 5 và tháng 6 tới, triển khai ngay kết quả của cuộc gặp để kết thúc đàm phán theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo hai bên.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013. Xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính hết năm 2014, đã có 25 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 37,8 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
TTXVN/Tin tức