Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập, ngành điều vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đây là nhận định chung của các doanh nghiệp tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, tối 23/11.
Những dấu ấn 30 năm xuất khẩu điều
Theo thống kê của Vinacas, năm 1990, khi Vinacas được thành lập, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu nhân điều với khối lượng 286 tấn, đạt giá trị 1,4 triệu USD. Năm 1995, lượng nhân điều xuất khẩu đã đạt 15.000 tấn, trị giá 90 triệu USD. Ngay sau đó, năm 1996, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu nhân điều đạt mốc 110 triệu USD. Năm 2004, lần đầu tiên lượng nhân điều xuất khẩu đạt hơn 105 nghìn tấn tương đương với trị giá xuất khẩu là 436 triệu USD.
Đến năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Ấn Độ vươn lên đứng vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều khi đạt gần 127 nghìn tấn, trị giá 504 triệu USD. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam trở thành trung tâm chế biến và xuất nhập khẩu điều số 1 thế giới, chiếm hơn 50% lượng điều thô chế biến.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, nhưng tính đến hết tháng 10/2020, xuất khẩu điều nhân vẫn đạt hơn 422 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 94% so với kế hoạch năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 2,6 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ 2019, đạt 82,3% so với kế hoạch. Dự kiến cả năm 2020, xuất khẩu nhân điều đạt 450 nghìn tấn, trị giá 3,28 tỷ USD. Như vậy, từ năm 1990 đến hết năm 2020, ngành điều xuất khẩu ước đạt trên 4,6 triệu tấn nhân điều, với tổng giá trị ước đạt hơn 31 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất. Từ khi hình thành ngành chế biến điều đến nay, công nghệ và thiết bị không ngừng được cải tiến, đổi mới nên trong thời gian không dài, ngành điều đã phát triển đầy ấn tượng.
"Đặc biệt trong 10 năm qua, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa ngành chế biến nhân điều đã giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra trước đó như khan hiếm lao động, ô nhiễm môi trường đến quản lý chất lượng sản phẩm, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà các nước nhập khẩu điều nhân rất quan tâm. Từ khởi điểm thấp, đi sau nhiều nước, ngành điều trở thành một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Giờ đây, nói đến hạt điều, nhà nhập khẩu các nước đều nghĩ đến Việt Nam.", ông Phạm Văn Công nhấn mạnh.
Không ít thách thức
Mặc dù đang ở ngôi đầu thế giới, tuy nhiên, nhiều doanh nhân trong ngành điều nhìn nhận, Việt Nam mới chỉ có tiếng với vị trí số 1 về chế biến, xuất khẩu điều nhân nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá 10USD /kg, trong khi nhân điều thành phẩm bán ở siêu thị các nước có giá khoảng 30USD /kg. Như vậy Việt Nam mới chỉ chiếm 30% chuỗi giá trị ngành điều, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế.
Việt Nam cũng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu phần lớn điều thô để chế biến, nhiều nhất là từ châu Phi. Trong khi đó, mọi giao dịch xuất, nhập khẩu phải thông qua trung gian nên luôn bị động về giá thành.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch VINACAS cho rằng, hiện nay, ngành chế biến điều nhân xuất khẩu của Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ chính sách mới của các quốc gia sản xuất, chế biến điều. Nếu như các quốc gia châu Phi bắt đầu phát triển chế biến trong nước thay vì xuất thô thì Ấn Độ một trong những thị trường tiêu thụ điều nhân lớn nhất thế giới vốn là đối trọng với Việt Nam đang áp dụng chính sách thuế để hạn chế lượng điều nhập khẩu, chủ yếu từ Việt Nam.
Với thị trường Trung Quốc, vốn được xem là "dễ tính" nhưng hiện nay đang siết chặt chất lượng nông sản qua đường tiểu ngạch, nếu không nâng cao chất lượng thì điều Việt Nam rất khó có cửa vào thị trường rộng lớn này. Trong khi đó, các nước châu Âu và Hoa Kỳ cũng đang nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, những yêu cầu ấy của thị trường chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp ngành điều Việt Nam tái cơ cấu để thích ứng, hoàn thiện thiết bị, công nghệ cũng như nâng cao năng lực quản trị; đồng thời, tiến tới chế biến sâu, gia tăng mức độ nắm giữ trong chuỗi giá trị ngành điều. Do đó, ngành điều cần có chiến lược bài bản làm tăng giá trị hạt điều, chuyển từ sơ chế nhân điều và xuất khẩu bán thành phẩm sang thành phẩm chế biến tinh, đi trực tiếp vào siêu thị.
Ông Phạm Văn Công cho biết, để góp phần cho ngành điều tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức khó khăn, Vinacas đang xúc tiến xây dựng và kiến nghị với Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới". Theo đó, đề xuất những cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới và giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, muốn phát triển ngành điều bền vững, duy trì được diện tích trồng điều ổn định cần quan tâm tới việc nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng điều. Cụ thể, phải nâng cao năng suất, chất lượng các vườn điều, cải tạo vườn điều năng suất thấp. Đối với chế biến, phải đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu, giữ được sức cạnh tranh về chất lượng và giá trong bối cảnh thương mại thế giới gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, ngành điều cần rà soát lại, đánh giá toàn diện cơ hội, thách thức để có kế hoạch sản xuất, chế biến, thương mại hiệu quả.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo thị trường là những vấn đề mà doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam cần cải thiện ngay để nắm bắt được quy luật thị trường, có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường.