Tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều khô đã đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây là 52.000 đồng/kg. Hiện nguồn hàng tại địa phương đã cạn kiệt, nông dân không còn điều để bán mặc dù sản lượng điều của Bình Phước đạt 200.000 tấn/năm đứng đầu cả nước.
Theo Hiệp hội Điều Bình Phước, cả tỉnh hiện có trên 210 doanh nghiệp và khoảng 400 cơ sở chế biến hạt điều với tổng công suất 130.000 tấn/năm, nhưng chỉ thu mua được 81.287 tấn hạt/năm, tức chỉ khoảng 65% sản lượng điều thô của tỉnh, còn lại phải nhập nguyên liệu về chế biến. Giá cao trong năm 2016 có thể ảnh hưởng đến nhu cầu chung trong năm 2017.
Giá trị xuất khẩu cả năm nay có thể đạt mức kỷ lục 2,7 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục của năm ngoái là 2,4 tỷ USD. Ảnh: TTXVN |
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá hạt điều khô trong thời gian tới vẫn tiếp tục có xu hướng tăng bởi nhu cầu tăng cao mà nguồn cung ngày càng thu hẹp do ảnh hưởng bởi thời tiết. Sản lượng nhân điều của Việt Nam năm 2016 dự báo không tăng so với năm 2015.
Để đảm bảo nguồn cung, các nhà chế biến điều Việt Nam không thể chỉ dựa vào nguồn điều thô nguyên liệu tại địa phương. Khoảng 2/3 lượng điều chế biến xuất khẩu hàng năm là từ nguồn nhập khẩu. Tây Phi chiếm khoảng 46% sản lượng điều thô toàn cầu (năm 2015) và hầu hết lượng điều thô sản xuất tại khu vực này được chế biến tại Ấn Độ, Việt Nam hoặc Brazil.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu điều 10 tháng đạt 291.000 tấn với giá trị 2,33 tỷ USD, tăng 5,8% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 33,9%, 13,8% và 13,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang các thị trường này. Các thị trường nhập khẩu điều của Việt Nam như: Israel, Đức, Anh, Hà Lan, Trung Quốc và Italia đều có mức tăng trưởng mạnh với hai con số.