Tại hội thảo "EVFTA: Cơ hội thu hút đầu tư công nghiệp tại Việt Nam" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Dự án hỗ trợ Chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - Mutrap) tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá, mỗi ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay đều có thuận lợi và khó khăn khi EVFTA có hiệu lực.
EVFTA đã hoàn thành đàm phán và dự kiến kí kết vào năm 2017. |
Hiệp định EVFTA được kì vọng sẽ là một cú huých quan trọng, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là những sản phẩm các bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, đồ uống có cồn của EU.
Không chỉ thuế quan, EVFTA còn có các cơ chế hiệu quả giúp xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam liên quan đến hàng rào phi thuế quan như các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kĩ thuật trong thương mại, thủ tục hải quan, công nhận chỉ dẫn địa lý...
Từ các lợi thế ưu đãi nói trên, EVFTA sẽ củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường EU, qua đó tạo chuyển biến tích cực về năng lực và lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, với quy mô vốn và công nghệ của EU, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Lợi thế này sẽ được phát huy hơn nữa trong không gian Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được hình thành từ cuối 2015.
"Việc Việt Nam kí kết FTA với các đối tác phát triển cao như Liên minh châu Âu sẽ mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, học hỏi kĩ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động Việt Nam", Thứ trưởng đánh giá.
Tính đến tháng 4/2016, EU đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1.800 dự án với tổng vốn đầu tư đăng kí là 23,16 tỷ USD. Các lĩnh vực được các nhà đầu tư EU quan tâm nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, sản xuất phân phối điện...