Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án, khiến các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia buộc phải tính toán chiến lược đầu tư, các nước đều phải nghiên cứu thay đổi chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp với bối cảnh mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Có thể thấy, trong năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng, đặc biệt vốn đầu tư mở rộng tăng mạnh tới 40,5%.
Riêng bốn tháng đầu năm 2022, đã có 10,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
“Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những giải pháp rất hiệu quả của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc kiểm soát linh hoạt dịch COVID-19 để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại dịch vụ, đời sống nhân dân trở lại bình thường", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết thêm.
Đặc biệt, cùng với việc đẩy nhanh tỷ lệ tiêm phủ vaccine, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với môi trường chính trị ổn định và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp nêu trên, quý I/2022, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 4,7% của quý I/2021 và mức 3,7% của quý I/2020, cho thấy đà phục hồi kinh tế đã trở nên rõ nét hơn.
Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng. Bốn tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 242,43 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có đóng góp quan trọng khi khu vực này đạt tổng trị giá xuất nhập khẩu 1,37 tỷ USD, tăng 14,9%.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA tiếp tục đóng vai trò là động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động giao thương của Việt Nam với quốc tế nói riêng trong giai đoạn sau dịch.
"Việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao sẽ càng tăng cường vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất, là một phần của chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay", Thứ trưởng Trần Huy Đông nhấn mạnh.
Chẳng hạn, mới đây các nhà đầu tư Nhật Bản đã chọn Việt Nam là mắt xích quan trọng trong hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp cũng sẽ tăng theo. Mặc dù có nhiều cơ hội như nêu trên, nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực trong bối cảnh hoạt động đầu tư vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.
Đồng thời, sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử, đặc biệt là sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics… Trong bối cảnh đó, cần có thêm những chính sách, cơ chế để ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành một cấu phần quan trọng của ngành bất động sản công nghiệp.
Theo ông Trần Duy Đông, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Hiện nay, cả nước có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO và một số tổ chức quốc tế thực hiện thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Tại các khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.
“Để hoàn thiện các định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển mô hình khu công nghiệp mới thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến việc phát triển các mô hình khu công nghiệp… Nhất là tại diễn đàn, sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham khảo trong quá trình trình Chính phủ tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền định hướng, chiến lược, những giải pháp cụ thể để đón nhận làn sóng chuyển dịch mới của dòng vốn đầu tư toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Với chủ đề “Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới”, Diễn đàn bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022 sẽ có 3 phiên thảo luận gồm: Gỡ điểm nghẽn, đón dòng vốn mới; vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh thị trường mới; kiến tạo hệ sinh thái khu công nghiệp. Thông qua 3 phiên thảo luận, các chuyên gia, diễn giả sẽ đánh giá triển vọng các dòng vốn mới vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp; đồng thời nhận diện các điểm nghẽn và thảo luận các giải pháp tháo gỡ như: tắc nghẽn kết nối hạ tầng giữa các địa phương; chi phí logistics tăng cao do thiếu kho bãi, tàu chở hàng và container; thiếu các tiêu chí cụ thể về môi trường, hình thành khu công nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc về sự chồng chéo, thiếu sự đồng nhất trong phân cấp quản lý - cấp phép phát triển bất động sản công nghiệp và đầu tư giữa Trung ương và Ban quản lý Khu công nghiệp các địa phương; thiếu chính sách khuyến khích và các đơn vị tư vấn ESG chuyên nghiệp; thiếu hụt nhân lực sau dịch… Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận cách vận hành chuỗi cung ứng mới đáp ứng nhu cầu của thế giới và triển vọng về một hệ sinh thái chuỗi cung ứng mới hoàn toàn khác biệt sau đại dịch. Xu hướng phát các khu công nghiệp đô thị, khu công nghiệp xanh, các “Logistic City”; phát triển nhà xưởng, kho bãi cao tầng; sự dịch chuyển các kho bãi từ khu vực trung tâm về các đô thị vệ tinh…