Jing’an Century, một tập đoàn phát triển nhà ở lớn có trụ sở ở phía bắc Thượng Hải, chắc hẳn sẽ bận rộn khi công nhân chuẩn bị hoàn tất các căn hộ. Nhưng thực tế khu vực phát triển dự án gần như bất động. Lệnh phong tỏa đối với thành phố 25 triệu dân này khiến Jing’an Century, buộc phải dừng hoạt động xây dựng. Khách mua nhiều tháng nay tỏ rõ sự lo lắng khi nhiều công ty bất động sản vỡ nợ trái phiếu, vật lộn trong khó khăn để giao nhà cho khách.
Mới đây vẫn còn được đánh giá là tương đối ổn định, Jing’an Century giờ buộc phải thông báo tới khách hàng rằng họ sẽ không nhận được nhà đúng lịch. Ít nhất 20 dự án phát triển nhà ở Thượng Hải đã phải ra thông báo trì hoãn tương tự. Nhiều dự án bất động sản khác cũng buộc phải dừng bán. Lệnh phong tỏa được thực thi nghiêm ngặt, với nhiều bức tường ngăn, chạm kiểm soát cảnh sát được dựng lên trên khắp thành phố. Doanh số bán nhà trên giấy của Jing’an Century giảm 80% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Khủng hoảng bất động sản không phải là điều mới. Nhưng cái mới chính là mối lo sợ ngày một tăng trong giới đầu tư nước ngoài về chính sách. Hội tụ giữa đà suy giảm nghiêm trọng trên thị trường nhà đất với chính sách zero-Covid (Không COVID) không khoan nhượng chỉ là một trong số nhiều bất trắc gần đây khiến giới quản lý quỹ đầu tư nước ngoài nghi ngờ Trung Quốc đánh mất cách tiếp cận thực tế trong điều hành kinh tế.
Sau hơn một năm, chính sách của nhà điều hành Bắc Kinh về tuân thủ zero-Covid, mạnh tay chấn chỉnh các ông lớn công nghệ như Alibaba và bất động sản như Evergrande gây ra tác động sâu rộng với các thị trường toàn cầu, một tác động tiêu cực. Cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong, New York bốc hơi 2.000 tỷ USD và gần như không có bất kỳ hoạt động phát hành lần đầu ra công chúng nào của công ty Trung Quốc đại lục ở hai thị trường này.
Ở nội địa, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán lượng tài sản tài chính định giá bằng đồng nội tệ lên tới 150 tỷ USD chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, mức thoái vốn lớn nhất từ trước đến nay. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở ở Washington, lượng vốn nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc trong năm nay có thể đạt mốc 300 tỷ USD, tăng so với con số 129 tỷ của năm 2021.
Chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế là một trong những trụ cột cho liên kết giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, một sợi dây được kết nối vững chắc dựa trên đánh giá cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở cửa cải cách, giúp mang lại mức lợi suất trái phiếu cao.
Nhưng ý nghĩ đó đang phai nhòa nhanh chóng. Theo Hugh Young thuộc công ty quản lý quỹ đầu từ Aberdeen, nhiều nhà đầu tư trong vài năm qua đã quá háo hức với thị trường Trung Quốc và chọn cách phớt lờ nguy cơ. Giờ đây, nhiều người nhận ra rằng dù Trung Quốc có mở cửa hơn với dòng vốn nước ngoài, nhưng không có được mức độ linh hoạt.
Bước dịch chuyển này là một phần tác nhân gây ra làn sóng bán thảo cổ phiếu, trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, một xu hướng đã được kích hoạt trước đó do sự suy yếu của đồng nhân dân tệ kết hợp với việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiểm chế lạm phát.
Giá trị cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 20% trong ba tháng đầu năm nay, tương đương mức giảm 113 tỷ USD, chủ yếu là do đà mất giá trên thị trường chứng khoán đại lục. Xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ còn tiếp diễn, cho đến khi Bắc Kinh phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách kinh tế.
Gene Ma đến từ IIF nhận định thời gian tới sẽ xuất hiện xu hướng phân kỳ ngày một rộng giữa các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu các công ty Trung Quốc ở nước ngoài với giới đầu tư mở văn phòng đại diện tại đại lục. Nhiều tập đoàn, công ty lập cơ sở sản xuất tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm nhân công. Nhưng số các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận trái phiếu Trung Quốc phát hành ở ngoài nước qua kênh Hong Kong sẽ giảm dần danh mục đầu tư. Đầu tư tại Trung Quốc trong năm nay vì thế sẽ có sự phân tách rõ rệt.