Viết nên kỳ tích mới ở Cảng biển vinh dự 3 lần đón Bác về thăm

Mang trên mình sứ mệnh đặc biệt, Cảng Hải Phòng là một phần lịch sử quan trọng của thành phố Hải Phòng.

Chú thích ảnh
Hình ảnh tư liệu Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng năm 1957. Ảnh: TTXVN phát

Đây cũng là nơi vinh dự 3 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trong 9 lần Người thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cảng.

Minh chứng lịch sử đặc biệt

Theo cuốn Lịch sử Hải Phòng tập 2, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021, giai đoạn thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873-1874) đã đưa đến một hiệp ước ký giữa triều đình Huế và thực dân Pháp. Theo đó, "ngày 31/8/1874 đã chính thức hóa việc mở cửa biển Hải Phòng, đặt nền móng cho quá trình hình thành một Đô thị - Cảng biển lớn nhất Bắc Kỳ". Đây chính là dấu mốc hình thành Cảng Hải Phòng.

Không chỉ gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của cảng biển Hải Phòng, Cảng Hải Phòng còn là một trong những nơi đầu tiên của Việt Nam hình thành giai cấp công nhân và có tổ chức Đảng. Ông Phạm Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết, ngày 24/11/1929, những phu khuân vác làm việc tại Cảng đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, có nước uống và chống đánh đập, giành thắng lợi. Ngày này trở thành ngày truyền thống của công nhân Cảng Hải Phòng. Ngày 28/11/1929, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Cảng Hải Phòng thành lập.

Theo ông Phạm Hồng Minh, trong những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc, bên cạnh những mất mát hy sinh cùng những thành tích đạt được, cán bộ công nhân Cảng Hải Phòng có niềm vui vô bờ bến đó là niềm vinh dự, tự hào 3 lần được đón Bác Hồ kính yêu của dân tộc, của giai cấp công nhân về thăm Cảng.

Lần thứ nhất (ngày 20/10/1946), sau khi Bác Hồ thăm chính thức nước Pháp, Người về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến cầu Ngự - Cảng Hải Phòng ngày nay. Nơi đây đã trở thành một trong những chứng tích lịch sử quan trọng của thành phố Hải Phòng. Lần thứ hai (ngày 30/5/1957), Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng. Bác đã lên tàu HC15, thăm nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc của công nhân thủy thủ, Bác ân cần nói chuyện với mọi người. Lần thứ ba (ngày 10/01/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đông đảo nhân dân Hải Phòng đón 922 kiều bào Thái Lan về nước tại Cảng Hải Phòng.

Mỗi lần được đón Bác Hồ là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị, tinh thần của cán bộ, công nhân Cảng. Những lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho cán bộ đảng viên, công nhân Cảng qua các thời kỳ tạo lên động lực, ý chí, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, giữ gìn và phát huy truyền thống "Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo" và khẳng định thương hiệu Cảng Hải Phòng như ngày hôm nay.

Trao truyền niềm tự hào và khát vọng

Chú thích ảnh
Ông Phạm Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (người chỉ bản đồ) báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tiến độ triển khai xây dựng bến càng số 3, số 4 thuộc khu vực Cảng nước sâu Lạch Huyện, Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải. Ảnh: TTXVN phát

Khu vực Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Hoàng Diệu thuộc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đang hoạt động là địa danh đón Bác Hồ từ Pháp về Việt Nam bằng đường biển vào ngày 20/10/1946. Phát huy truyền thống vẻ vang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Hoàng Diệu luôn là đơn vị tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thành phố Hải Phòng.

Năm 2021, công ty được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trao tặng Bằng khen 5 năm là đơn vị tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức, Đảng bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Hoàng Diệu vinh dự là một trong 37 tập thể được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen.

Ông Trần Lưu Phương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Hoàng Diệu chia sẻ, việc học tập và làm theo Bác ở Cảng Hoàng Diệu rất linh hoạt theo phương châm: trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau. Ban Thường vụ trước, sau đó đến Ban Chấp hành, Bí thư các Chi bộ, đảng viên rồi đến quần chúng lao động. Trong quá trình triển khai, người đứng đầu và cán bộ chủ chốt phải là tấm gương thực hiện, đồng thời hướng dẫn đảng viên học tập, làm theo Bác gắn với những yêu cầu, chuyên đề cụ thể, phù hợp với vị trí, đặc điểm, môi trường công tác của mỗi tập thể, cá nhân.

Năm 2023, việc triển khai học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác tại đơn vị rất sát thực, thẳng thắn song cũng rất mềm mại. Chẳng hạn, đối với biểu hiện quá cứng rắn hoặc hữu khuynh trong điều hành công việc của các đồng chí lãnh đạo hay tình trạng lãng phí trong sản xuất kinh doanh ở một số bộ phận, tại các cuộc họp của đảng bộ, chi bộ đều được đề cập và nêu giải pháp điều chỉnh kịp thời. Giai đoạn hiện nay, thực hiện quy hoạch của thành phố Hải Phòng, Cảng Hoàng Diệu sẽ phải di chuyển thời gian tới, song tập thể cán bộ, người lao động tại đơn vị luôn đồng thuận, ổn định tư tưởng và nỗ lực trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, thị phần của Cảng Hoàng Diệu vẫn ổn định, thu nhập bình quân của người lao động đạt trung bình trên 14 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ cụ thể, ông Nguyễn Phương Duy, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Điều hành sản xuất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cảng Hoàng Diệu cho biết, trong điều hành tổ chức sản xuất, lãnh đạo phòng luôn chú trọng tìm giải pháp tối ưu để năng cao năng lực, năng suất làm việc, theo tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

Kỳ tích mới trong dòng chảy lịch sử

Với lịch sử hơn 150 năm hình thành, phát triển, Cảng Hải Phòng có những đóng góp to lớn cho sự phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố. Trước những năm 1980, đây là cảng biển lớn duy nhất ở miền Bắc. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, tại Hải Phòng, thêm nhiều bến cảng mới được hình thành song Cảng Hải Phòng vẫn là thương hiệu hàng đầu.

Ông Phạm Hồng Minh cho biết, sản lượng hàng hóa qua Cảng của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng chiếm hơn 40% tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng tại các cảng biển của thành phố (Hải Phòng hiện có gần 50 cảng biển). Cảng Hải Phòng là đơn vị hàng đầu về bốc dỡ hàng hóa tổng hợp, chiếm 70% thị phần về loại hàng này tại khu vực phía Bắc.

Hiện Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đang triển khai xây dựng bến cảng nước sâu số 3 và số 4 tại Cảng nước sâu Lạch Huyện. Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đang đẩy nhanh tiến tộ triển khai, phấn đấu đưa vào khai thác vào quý III, năm 2024. Khi đưa vào khai thác, cảng số 3, số 4 tiếp nhận tàu có tải trọng lớn lên tới 160.000 DWT (tương đương 13.000 teus) và sẽ đưa hàng hóa thẳng từ Việt Nam đến châu Mỹ không phải qua trung chuyển, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ 10 đến 15 ngày, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng là sự khởi đầu hành trình tiến ra biển lớn, sự tiếp nối truyền thống, thương hiệu Cảng Hải Phòng.

Để giữ vững thương hiệu Cảng Hải Phòng, tập thể lãnh đạo Công ty và người lao động tại Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng không ngừng nỗ lực, nhất là trong duy trì thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hướng tới hình thành và phát triển cảng thông minh, hiện đại.

Những nỗ lực này là động lực đưa công ty vươn ra biển lớn, khẳng định vị thế của hàng hải Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới. Những đóng góp to lớn của Cảng Hải Phòng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng rất nhiều danh hiệu cao quý như: Bằng có công với nước - thành tích đấu tranh cách mạng trong thời kỳ bí mật 1929 - 1945, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Lao động - thành tích đặc biệt xuất sắc thời kỳ đổi mới cùng nhiều huân, huy chương khác.

Minh Thu (TTXVN)
Nhớ lần Bác về thăm 'Ngọn cờ Gió Đại phong' của tỉnh Phú Thọ
Nhớ lần Bác về thăm 'Ngọn cờ Gió Đại phong' của tỉnh Phú Thọ

Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, động viên nhân dân, các xã viên hợp tác xã Nam Tiến, xã Cao Mại (nay là thị trấn Lâm Thao), huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN