Tại Hà Nội, Tổng công ty (TCT) Thủy tinh và Gốm xây dựng-Viglacera chiều 8/1 công bố việc chào bán đấu giá cổ phiều lần đầu ra công chúng. Hình ảnh lễ công bố. Ảnh: vov.vn |
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa TCT Viglacera với vốn điều lệ là 3.070 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu phát hành lần đầu là 307.000.000 cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Theo đó, Viglacera sẽ chào bán lần đầu ra công chúng khối lượng cổ phiếu chào bán ra bên ngoài thông qua đấu giá là 76.947.600 cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần.
So với các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, Viglacera có lộ trình tái cơ cấu “nhẹ nhõm” hơn cả, do quá trình tái cơ cấu đã được đơn vị này thực hiện thường xuyên và không bị cuốn vào “cơn lốc” đầu tư ngoài ngành. Chủ tịch Hội đồng thành viên Viglacera Luyện Công Minh chia sẻ: Quyết tâm tiến hành chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) trong thời điểm này đã được cân nhắc khá kỹ bài toán lợi ích để cùng lúc vừa đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cổ đông, vừa bảo đảm có một nguồn lực tài chính để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển của TCT.
Viglacera là đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam cả về năng lực sản xuất, loại hình, mẫu mã và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường từ bình dân đến cao cấp. Viglacera cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng và dịch vụ đa dạng từ móng đến mái, từ trong ra ngoài công trình, đóng góp trên 23 triệu USD kim ngạch xuất khẩu/năm của ngành xây dựng và hiện có mặt tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những sản phẩm chính nổi bật của Viglacera là: kính xây dựng, sứ vệ sinh, sen vòi, sản phẩm phụ trợ, sản phẩm gạch ceramic và granite; gạch ngói đất sét nung…
Không chỉ là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại Việt Nam, Viglacera còn thành công khi mở rộng đầu tư kinh doanh bất động sản với các sản phẩm khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở, khu thương mại - văn phòng cho thuê và nhà ở xã hội.
Mục tiêu cổ phần hóa nhằm xây dựng Viglacera trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất vật liệu xây dựng; có cơ cấu hợp lý, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Chuyển hình thức sở hữu 100% vốn Nhà nước thành hình thức đa sở hữu, Viglacera thay đổi tổ chức quản lý điều hành và phương thức quản trị, mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường vốn và các hình thức huy động vốn đa dạng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh của TCT sau cổ phần hóa.
Cùng với tiến trình cổ phần hóa toàn Tổng công ty, Viglacera đồng thời thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm thoái hoàn toàn hoặc thoái một phần vốn góp tại các dự án không cần thiết hoặc sinh lời không cao, từ đó thu xếp tài chính để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh công nghệ cao lần đầu tiên sẽ có mặt tại Việt Nam cũng như các dự án bất động sản có khả năng mang lại lợi nhuận tốt.
Thu Hằng