Sáng chăn gà, chiều làm vlog
Gà chín cựa không chỉ là loài vật linh thiêng trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh của dân tộc Việt Nam mà còn là sản vật quý, có giá trị thương phẩm cao trong thời hiện đại.
Sinh ra tại vùng đất đất tổ vua Hùng, Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1985) chứng kiến nhiều nét văn hóa của dân tộc Mường gắn với gà 9 cựa. Trước tình trạng, đàn gà chết dần chết mòn, bị quên lãng vào những câu chuyện truyền thuyết, anh Đức đau đáu sưu tầm và nhân giống gà 9 cựa bản địa.
Việc tìm kiếm những con gà 9 cựa còn sót lại trong các bản xa chẳng khác nào "mò kim đáy bể" nhưng người thanh niên này vẫn không bỏ cuộc. Tìm được gà, mày mò nhân giống cho đến khi lứa gà nhiều cựa đầu tiên chuẩn bị ra thị trường thì vấp phải rào cản. Vừa chào hàng, gà 9 cựa đối mặt với ánh mắt soi xét, hoài nghi của khách hàng.
"Năm 2016, mình bắt đầu đem gà ra thị trường bán. Họ nói đây thời nay làm gì còn gà 9 cựa, đây là loại gà tật, gà bệnh. Lúc đó, tôi hơi sốc nhưng vẫn quyết tâm tìm cách chứng minh với khách hàng về gà thật", anh Đức kể.
Cùng với thời điểm đó, vlog bắt đầu nở rộ tại Việt Nam. Các video trải nghiệm ẩm thực, văn hóa Tây Bắc thu hút được hàng chục triệu lượt xem. Anh nảy ra ý tưởng làm kênh vlog để trực tiếp giới thiệu về giống gà, quy trình nuôi, các món ăn bản địa với gà 9 cựa.
Cứ thế, người thanh niên bản Mường sáng lên đồi chăn gà, chiều về quay vlog ròng rã cả năm trời, câu chuyện người thật, việc thật, gà thật dần lấy được lòng tin của khách hàng.
Qua các kênh youtube, fanpage, website, khách hàng chủ động liên lạc và đặt mua giống, gà thương phẩm, thị trường cũng được mở rộng ra các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Vũng Tàu…
Đặc biệt, anh Đức cũng "đãi cát tìm vàng", nhân giống hàng nghìn con để lựa chọn những cặp gà 9 cựa, cặp gà bạch tuyết (gà nhiều cựa, lông trắng) quay vlog giới thiệu. Nhiều đại gia, tay chơi gà khét tiếng trên cả nước tìm về tận bản để xem và ngã giá với giao dịch trị giá hàng nghìn USD.
Đổi cây vàng "săn" gà hiếm
Đã giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên tranh thủ 2 ngày cuối tuần, anh Phạm Long (Cầu Giấy, Hà Nội) chạy xe lên tận Tân Sơn, Phú Thọ để tìm mua cho được đôi gà chín cựa loại thuần chủng, đẹp về chơi Tết.
Là một tay chơi gà có tiếng, anh Long chia sẻ gà 9 cựa có tướng mạo của bậc "thần kê" mào đỏ tươi, mắt sáng tinh anh, ngực nở, đuôi cong vút tựa cầu vồng, tiếng gáy vang.
Đặc biệt, đôi chân to, chắc và mỗi bên có 4 hoặc 5 cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong như lưỡi liềm.
Mê mẩn gà 9 cựa, anh Long chi một cây vàng để sang tay một chú gà 9 cựa nhưng chủ nhà vẫn không bán vì nhà chỉ có 3 cặp để gây giống thuần chủng.
Lý giải về điều này, anh Đức cho biết hiện tại số lượng gà nhiều cựa thuần chủng tại huyện Tân Sơn hiện nay không còn nhiều mà tỷ lệ ấp trứng tự nhiên của giống gà này lại thấp, chỉ từ 30 – 35%. Ấp 1.000 quả trứng cũng chỉ được 3-4 con gà 9 cựa. Có nhiều đại gia sẵn sàng chi, giá bao nhiêu cũng mua nhưng cung quá yếu so với cầu.
Không mua được gà 9 cựa, anh Long chốt ngay cặp gà bạch tuyết lộc phát (6,8 cựa) với giá 15 triệu đồng và đặt gạch một cặp gà 9 cựa khi có hàng.
Ngoài thú chơi gà của các đại gia, trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình cũng muốn sở hữu một đôi gà nhiều cựa để làm gà cúng đêm giao thừa bởi thịt của chúng không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn mang lại ý nghĩa may mắn, sung túc cho những gia đình được thưởng thức vào đúng bữa cơm dịp đầu năm.
Biết đến trang trại gà của anh Đức thông qua kênh youtube, chị Nguyễn Thị Thu Cúc (Tuyên Quang) lặn lội sang Phú Thọ để mục sở thị loài gà hiếm này.
Chị Cúc chia sẻ: "Tôi nghĩ gà chín cựa chỉ có trong truyền thuyết cho đến khi được nhìn tận mắt, bế con gà trên tay. Gà rất đẹp, lông mượt như nhung, thịt chắc và ngọt. Sau khi được thưởng thức, tôi đã mua mấy cặp về biếu người thân vào dịp tết Tân Sửu. Dù Tết Nguyên đán 2021 là năm con trâu nhưng tôi cho rằng tặng cặp gà quý vẫn sang trọng và phù hợp với mọi gia đình".