Tuy nhiên, nhiều phản ánh từ doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận nguồn vốn này không mấy dễ dàng trong khi các ngân hàng cũng "than thở" không tìm được khách.
Vì sao doanh nghiệp không muốn vay?
Theo ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, tổng cầu của nền kinh tế trong thời gian qua đã có lúc giảm đến mức tối thiểu, nhiều doanh nghiệp thu hẹp, thậm chí tạm dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng, thu nhập của khách hàng cá nhân cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo theo khả năng trả nợ ngân hàng và nhu cầu tín dụng giảm sút.
Tính đến hết quý I/2020, quy mô tín dụng tại VietinBank giảm 1% so với hồi đầu năm mặc dù nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ được đưa ra, thậm chí có gói tín dụng không giới hạn về quy mô để cùng đồng hành, đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), dư nợ tín dụng kể từ đầu năm 2020 tới nay chỉ tăng khoảng 3% và mắc kẹt ở mức đó đã trong một thời gian dài.
Theo ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng, dù Sacombank đã hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất có thể đồng thời miễn phí hàng loạt dịch vụ ngân hàng trong suốt mùa dịch, song "đi tìm khách hàng vẫn khó quá!".
Nguyên nhân chính được ông Tuệ lý giải là do tác động trực tiếp của COVID-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn đang vật lộn để tồn tại hoặc thận trọng quan sát tình hình chứ không phải tìm cách để phát triển. Thêm vào đó sức khỏe tài chính của doanh nghiệp Việt vẫn còn khá yếu.
Mặt khác, doanh nghiệp muốn tiếp cận được vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh hậu COVID-19 đòi hỏi phải có phương án kinh doanh tốt, báo cáo tài chính minh bạch, theo quy định của pháp luật và Ngân hàng nhà nước.
Đây không chỉ là yêu cầu của riêng Sacombank mà bất cứ ngân hàng nào cũng đều đánh giá cao các hồ sơ có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm yếu của doanh nghiệp khiến nhiều hồ sơ vay vốn bị từ chối.
"Trong quá trình hợp tác, yêu cầu đầu tiên của chúng tôi với doanh nghiệp chính là sự trung thực, dù là khách hàng cũ hay mới. Nếu doanh nghiệp thực sự khó thì chia sẻ để cùng ngân hàng tháo gỡ, còn nếu cung cấp thông tin không chính xác, ngân hàng cũng e ngại hỗ trợ, hợp tác", Phó Tổng Giám đốc Sacombank khẳng định.
Như các doanh nghiệp khác, ngân hàng cũng cần khách hàng và lợi nhuận nhưng đồng thời ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước cổ đông và nhân viên nên không thể muốn gì làm đó mà phải kinh doanh có lãi. Vì vậy, theo ông Tuệ, ngân hàng cam kết sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn phục vụ nhu cầu của nền kinh tế nhưng cho vay không lãi suất là điều không tưởng, như tại Sacombank ưu đãi lớn nhất hiện nay là hạ lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động ở mức khoảng từ 5-6%/năm.
Tự thay đổi để thích ứng
Nguồn vốn rẻ luôn sẵn sàng nhưng đây không phải "tiên dược", không dành cho những doanh nghiệp chọn phương án "ngủ đông". Liều thuốc này chỉ có thể hấp thụ hiệu quả khi doanh nghiệp năng động, tự chuyển mình, có cơ hội tồn tại và vươn lên.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ đại dịch COVID-19 khi cả thế giới phải áp dụng các quy định về hạn chế đi lại, mọi di chuyền gần như về không, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ngay lập tức có biện pháp mạnh tay, chủ động ứng phó.
Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm chi phí phát sinh do hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí gián tiếp như đội ngũ lao động phi công tiếp viên, dừng bay từ 90-95%, toàn bộ lực lượng quản lý gián tiếp giảm tới 80% và thậm chí không hưởng lương. Tuy nhiên, thâm hụt cân đối giữa thu và chi tại doanh nghiệp này vẫn rất lớn, riêng quý I/2020 lỗ hạch toán lên đến 1.800-2.000 tỷ đồng.
"Dù vậy, Vietnam Airlines luôn sẵn sàng cho các kịch bản", ông Thành khẳng định.
Trong khi đó, tại Công ty TNHH sản xuất Constantia Việt Nam, một doanh nghiệp sản xuất bao bì dược phẩm tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh doanh thu vẫn khá ổn định trong thời gian qua, nhưng những tác động gián tiếp của đại dịch cũng khiến bà chủ doanh nghiệp này phải đau đầu.
"Vấn đề gặp phải tại công ty là dòng tiền chồi sụt và chi phí tăng lên do khách hàng rơi vào tình trạng khó khăn nên công nợ bị kéo dài từ 30 ngày thành 60 ngày vẫn chưa thể thanh toán. Mặt khác, do luôn phải đảm bảo đủ nguồn cung nguyên vật liệu nên vấn đề hàng tồn kho lớn cũng ảnh hưởng đến dòng tiền", bà Nguyễn Phụng Trân - Tổng Giám đốc Constantia Việt Nam chia sẻ.
Giải pháp bà chủ doanh nghiệp này đưa ra là ngay lập tức rà soát và xem xét cắt giảm các chi phí, nhất là các khoản có thể ảnh hưởng đến dòng tiền; đặc biệt yêu cầu bộ phận vận hành theo dõi sát sao, giảm tối đa sự hao hụt nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất và điều chỉnh lại năng suất lao động.
"Mức độ ảnh hưởng với từng ngành nghề, doanh nghiệp quy mô sẽ khác nhau. Trước khi cầu cứu đến các gói cứu trợ, cần nắm rõ doanh nghiệp mình yếu và thiếu ở đâu để có bước đi đúng đắn, hiệu quả", bà Trân nhấn mạnh.
Nỗ lực để cung gặp cầu
Bên cạnh nỗ lực tự lực cánh sinh, trong những lúc "ách tắc", sự giải cứu của ngân hàng vẫn rất cần thiết.
Ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Chúng tôi đánh giá rất cao Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khi ngay từ sau tết âm lịch, thời điểm dịch bắt đầu bùng phát, Vietcombank đã chủ động trợ giúp Vietnam Airlines trong việc giảm lãi suất, cùng trao đổi để tìm ra các giải pháp và định hướng; trong đó tái cơ cấu khoản vay, xác định lại các vấn đề về thời hạn thanh toán...".
Đánh giá hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) nhận định, đối với khách hàng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, việc giảm từ 0,5 - 2,5% lãi suất vay là cực kỳ quan trọng, trước tiên là giúp khách hàng duy trì hoạt động kinh doanh, rồi mới có thể tiếp tục phục hồi sản xuất trong thời gian tới. Hơn nữa, chi phí tài chính hiện nay của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn, việc giảm chi phí này giúp doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhân công, nguyên vật liệu... để đẩy mạnh sản xuất, phục hồi kinh doanh.
Tuy vậy, theo đại diện ngân hàng trên, kinh doanh ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 khi lãi suất có 2 xu hướng ngược nhau: Áp lực giảm lãi suất cho vay - trong khi lãi suất huy động rất khó giảm một cách nhanh chóng. Đồng thời, ngân hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực nợ quá hạn gia tăng.
Nhưng những chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, nhất là việc hạ lãi suất điều hành, đã trợ lực và giảm gánh nặng cho các ngân hàng thương mại, trực tiếp giúp ngân hàng cũng như song hành cùng doanh nghiệp để có thể giảm lãi suất, giảm áp lực tài chính.
Bên cạnh đó, tại VietCapitalBank, việc quản trị rủi ro cũng được chú trọng bằng việc ưu tiên quy trình phối hợp chặt chẽ giữa kinh doanh - thẩm định và rủi ro; quan tâm, sâu sát việc hỗ trợ, đôn đốc thu hồi nợ; đánh giá sát sao chất lượng các khoản nợ sau hỗ trợ COVID-19. Tất cả những điều này đang giúp ngân hàng đang kiểm soát được mức nợ xấu theo đúng định hướng.
Ngân hàng cũng là một trong những lĩnh vực của nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và mới đây đã được Chính phủ đồng ý đưa vào nhóm đối tượng được hỗ trợ để giãn, hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất. Tuy nhiên, để tiếp tục trợ lực cho ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh hơn nữa việc cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ một phần chi phí vốn đối với các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần giảm lãi suất cho vay tốt hơn.
Đây là đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.
Ngoài ra, theo ông Lực, các bộ, ngành cùng Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách, như chuyện tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Đây là việc vẫn cần tiếp tục thực hiện chứ không phải vì dịch bệnh mà sao nhãng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và hệ lụy về tính bền vững của ngành trong thời gian tới.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có trên 215 nghìn khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 1 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Ngân hàng chính sách xã hội cũng đã gia hạn nợ cho gần 143 nghìn khách hàng với dư nợ trên 3.600 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 519 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 21 nghìn tỷ đồng.