Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong nước trong kỳ điều hành ngày 11/1 có thể điều chỉnh không đáng kể đưa giá xăng về quanh mức 20.926 đồng/lít (E5 RON 92) và 21.914 đồng/lít (RON 95).
Trong khi đó, giá dầu bán lẻ được mô hình của VPI dự báo có thể tăng 1,6 - 2,1%, khiến giá dầu diesel tăng lên mức 19.677 đồng/lít, giá dầu hỏa 20.2 đồng/lít, giá dầu mazut 15.813 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch 9/1 do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và sự gián đoạn nguồn cung ở Libya. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 1,9% lên 77,59 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,1% lên 72,24 USD/thùng.
Hiện mỏ dầu Sharara công suất 300.000 thùng/ngày của Libya bị đóng cửa. Đây là một trong những mỏ lớn nhất nước này, vốn là mục tiêu bất ổn thường xuyên mỗi khi xảy ra căng thẳng chính trị. Các chuyên gia cũng lo ngại những xung đột ở Trung Đông có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết giá dầu giao kỳ hạn cũng được hỗ trợ vào ngày 9/1 sau khi Saudi Arabia nhấn mạnh nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ, sau thông tin Nga đã hạn chế mức sản xuất dầu thô trong tháng 12/2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tại Mỹ sản lượng dầu thô sẽ đạt mức cao kỷ lục trong hai năm tới và sẽ tăng 290.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 13,21 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Tương tự như vậy, Ngân hàng Bank of America (BofA) cũng dự báo giá dầu thô Brent dự kiến sẽ đạt trung bình 80 USD/thùng trong năm 2024 này. Cũng theo BofA, giá dầu tiếp tục biến động, thậm chí còn trầm trọng hơn do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố căng thẳng địa chính trị và chính sách của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh OEC+ đang cắt giảm sản lượng khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 6% nguồn cung toàn cầu.