Vực dậy ngành mía đường trong nước - Bài 1: Sản xuất bị thu hẹp

Nhiều năm qua, sản xuất đường mía trong nước liên tục gặp khó khăn, nhiều nhà máy đường đóng cửa, nông dân trồng mía nhiều nơi lao đao vì bán giá thấp.

Nhiều doanh nghiệp đường trong nước cho rằng nguyên nhân chủ yếu do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của đường nhập khẩu được trợ giá. Từ đầu năm 2021, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu Thái Lan với mức thuế 33,88%. Đây được xem là động thái phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngành sản xuất trong nước, tạo động lực cho doanh nghiệp vực dậy ngành sản xuất đường mía, ổn định đời sống và cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Chú thích ảnh
Mặt hàng đường là một trong những sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt nhất và phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Sản xuất bị thu hẹp

Ngành mía đường đã gặp khó khăn nhiều năm trước, tuy nhiên kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường đường cho các nước thành viên Asean theo Hiệp định ATIGA thì nhiều doanh nghiệp đã không trụ nổi. Theo báo cáo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trước năm 2018 cả nước có 41 nhà máy đường, năm 2019 còn nhà máy, năm 2020 còn 19 nhà máy và đến hiện nay chỉ còn 25 nhà máy. Tuy nhiên hầu hết các nhà máy đều đang hoạt động dưới công suất có thể hòa vốn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký VSSA thông tin: Nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam mỗi năm từ 1,8 - 2 triệu tấn, những năm 2010 là thời điểm ngành mía đường phát triển mạnh nhất, các nhà máy trong nước đã sản xuất được từ 1,5-1,6 triệu tấn, vùng nguyên liệu mía lên đến 300.000ha. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, đường lậu nhập khẩu từ Thái Lan với giá rẻ hơn nhiều so với đường sản xuất trong nước đã chiếm lĩnh thị trường nội địa buộc các doanh nghiệp trong nước phải thu hẹp sản xuất.

Sản xuất mía dường không chỉ là ngành công nghiệp chế biến mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Theo ước tính của các địa phương, chỉ trong thời gian ngắn đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và hơn 93.000 hộ nông dân bị ảnh hưởng khi ngành sản xuất đường trong nước bị thu hẹp. Nguyên nhân chính là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Những con số trên chỉ được thống kê trong một thời gian ngắn đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, so với các quốc gia sản xuất đường mía khác, ngành đường mía Việt Nam còn khá non trẻ khi mới được hình thành khoảng 20 năm. Trong khi đó, nhiều năm nay ngành đường Thái Lan được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều thời điểm đường Thái Lan nhập vào Việt Nam còn rẻ hơn giá mua mía ngay tại Thái Lan. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Đáng nói, giá đường thấp đã làm cho giá mía sụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu cũng như thu nhập của nông dân.

Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2020 Việt Nam chính thức mở cửa thị trường đường theo cam kết Hiệp định ATIGA nhưng các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước cho rằng, các quốc gia còn lại không hề mở cửa thị trường đường mà còn áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường riêng của mỗi nước. Tại thị trường nội địa, tiêu thụ đường cũng gặp khó khi dịch COVID-19 bùng phát, giá đường giảm mạnh.

Trong khi đó, ngay sau thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5% đường nhập khẩu đã ồ ạt tràn vào. Nghịch lý tồn tại nhiều năm với ngành mía đường Việt Nam là trong khi đường sản xuất trong nước không tiêu thụ được nhưng mỗi năm lượng đường nhập khẩu vẫn lên tới hơn 800.000 tấn.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết: Tây Ninh từng là thủ phủ mía đường với 3 nhà máy đường lớn, hoạt động suốt ngày đêm. Tuy nhiên trong nhiều năm không tiêu thụ được sản phẩm nên doanh nghiệp không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân cũng như chi trả tiền lương cho người lao động nên hai nhà máy  phải đóng cửa.

Hiện nay trên địa bàn Tây Ninh chỉ còn duy nhất một nhà máy hoạt động, công suất ép khoảng 20.000 ha mía/vụ. Mặc dù vậy,  trong những niên vụ gần đây, kể cả vùng nguyên liệu mía trong tỉnh và các tỉnh lân cận cũng như ở Campuchia chỉ đáp ứng khoảng 12.000 ha, nhà  máy chỉ vận hành được 60% công suất vì thiếu nguyên liệu.

Các nhà máy đường ở Hậu Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thông tin: Hậu Giang từng có tới 3 nhà máy đường, bao tiêu đầu ra cho hầu hết vùng mía nguyên liệu của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng hai nhà máy đã đóng cửa từ năm 2019. Hiện nay trên địa bàn chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ còn hoạt động, song những vụ gần đây cũng chỉ vận hành cầm chừng do hết nguyên liệu.

Tại Đồng Nai, trước đây có 2 nhà máy đường lớn là Trị An tại huyện Vĩnh Cửu và La Ngà tại huyện Định Quán. Tuy nhiên nhà máy mía đường Trị An đã dừng hoạt động và đang được thanh lý theo dạng phế liệu, còn Công ty mía đường La Ngà cũng đang tạm đóng cửa để khắc phục sai phạm về môi trường.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ ép mía 2020/2021 đã kết thúc sớm hơn thường lệ vì hết nguyên liệu. Lũy kế đến cuối tháng 2/2021 toàn ngành ép được hơn 3,7 triệu tấn mía, sản xuất được gần 369.000 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2019/2020 sản lượng mía ép chỉ đạt 72,3% và sản lượng đường chỉ đạt 71,3%. Ước tính sản lượng đường của cả vụ 2020/2021 chỉ còn khoảng trên dưới 550.000 tấn, thấp nhất từ trước đến nay.

Bài 2: 'Vị đắng' từ cây mía

Xuân Anh - Thanh Tân - Hồng Thái (TTXVN)
Vực dậy ngành mía đường trong nước - Bài cuối: Cạnh tranh công bằng và giải pháp liên kết chuỗi
Vực dậy ngành mía đường trong nước - Bài cuối: Cạnh tranh công bằng và giải pháp liên kết chuỗi

Việc đánh thuế lên đường nhập khẩu được trợ giá có thể coi là động lực đầu tiên để các doanh nghiệp vực dậy ngành sản xuất, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN