Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, nhận định về sự phát triển kinh tế Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP; triển vọng, cơ hội và thách thức đối với đầu tư và thương mại trong TPP; các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ; những thay đổi chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực.
Cơ hội nhiều...
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Việc ký kết Hiệp định TPP của Việt Nam không chỉ là kết quả của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán, mà còn là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế giữ vai trò quan trọng và ngày càng được khẳng định mạnh mẽ. Vì thế, TP Hồ Chí Minh luôn xem hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng. Để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố xác định việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tác động của Hiệp định TPP là hết sức cần thiết. Với tinh thần đó, Thành phố tổ chức Hội nghị này nhằm cung cấp thông tin về các cam kết thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và lao động trong TPP; định hướng chiến lược và các bước chuẩn bị cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trong quá trình tham gia TPP.
Gần 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các lãnh đạo, chuyên gia đã đến tham dự hội nghị. |
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP cũng đã nêu lên những nhận định về sự phát triển kinh tế Việt Nam trong 3 năm (2016 – 2018) theo xu thế phát triển của kinh tế thời đại, đồng thời phân tích kinh tế thế giới đang chuyển đổi từ kỷ nguyên công nghệ chế tạo sang công nghệ cao do công nghệ thông tin dẫn dắt; từ sản xuất vật chất sang phát triển các ngành dịch vụ; từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực; từ chạy theo tốc độ tăng trưởng sang coi trọng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững; từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển... Từ những chuyển đổi đó, tiến trình công nghiệp hoá được rút ngắn, nước (doanh nghiệp) đi sau có thể đuổi kịp, thậm chí vượt nước (doanh nghiệp) đã có trình độ phát triển cao hơn nếu có chiến lược đúng.
Cũng theo ông Trương Đình Tuyển, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, song song đó tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt. Vì thế, cơ hội từ các hiệp định đưa đến cho Việt Nam là rất lớn, như thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn; tiếp thu công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; điều chỉnh quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước theo hướng cân bằng hơn; tạo dựng khuôn khổ cho cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao vị thế của Việt Nam tại một khu vực phát triển năng động.
Nhưng tiềm ẩn rủi ro
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng không ít thách thức. Đó là cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, doanh nghiệp và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh); thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, về an ninh mạng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương, nếu sản phẩm không cạnh tranh được và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cũng không xâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, trong khi sản phẩm của họ dễ dàng vào nước ta. Một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội. Theo đó, ông Trương Đình Tuyển cho rằng tuy tác động tích hợp của các hiệp định theo hướng tích cực lớn hơn, song cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó không biến thành sức mạnh trên thị tường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2018, không phải tất cả các hiệp định đều tác động đầy đủ (dù theo lộ trình cam kết) mà theo thời gian có hiệu lực đã xác định và điều kiện giả định.
Ông Trương Đình Tuyểnp hân tích những cơ hội và rủi ro khi hội nhập |
Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện có nhiều tổ chức quốc tế đưa ra các dự báo về kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2016-2017, thậm chí đến 2020. Đặc điểm nổi bật trong các dự báo mới nhất của các tổ chức này này là hạ mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với dự báo tăng trưởng trong năm 2016 thấp hơn 2015. Từ sự phân tích trên, có thể thấy những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng của mỗi quốc gia là bất định, ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, việc dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian 2016-2018 là rất khó. Ngay cả các tổ chức dự báo có uy tín cũng phải thường xuyên điều chỉnh dự báo. Bởi hiện nay, kinh tế vĩ mô tại Việt Nam tuy ổn định hơn, nhưng vẫn còn những hạn chế yếu kém như: cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao; nợ xấu chưa được xủ lý tốt; doanh nghiệp trong nước rất khó khăn; tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm, chưa đạt yêu cầu trên cả bốn nội dung (là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp). Những hạn chế yếu kém này dẫn đến xu thế tiêu cực đang diễn ra từ đầu năm 2016, tác động đến khả năng tăng trưởng trong năm 2016 và cả những năm sau.
Có thể thấy, hiện lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước; tình hình khô hạn, và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Nam Trung bộ, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiêp vụ này mà còn ảnh hưởng đến cả vụ sau, năm sau. Tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp quý I giảm 1,23%, tăng trưởng công nghiệp cũng thấp thua cùng kỳ năm 2015 (6,72% so 8,74%), kéo theo tăng trưởng quý I năm 2016 chỉ đạt 5,46%. Như vậy, trong năm 2016 vừa có lực đẩy lại vừa có lực cản sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Từ 2017, lực đẩy sẽ mạnh hơn còn lực cản sẽ phụ thuộc vào nỗ lực giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta, nhất là việc thực hiện tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Biến thách thức thành cơ hội
Với những thách thức trên, các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã có những trao đổi về tương lai cho sự hợp tác phát triển của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam; kỳ vọng của nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam khi TPP có hiệu lực; lộ trình cải cách chính sách để đáp ứng những yêu cầu của TPP và những tác động đến chiến lược kinh doanh tại Việt Nam; tiềm năng, cơ hội và thách thức của các ngành sản xuất, dịch vụ; các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ; thay đổi chính sách về lao động của Việt Nam khi TPP có hiệu lực; tác động của tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đến khả năng cạnh tranh cấp doanh nghiệp và quốc gia trong TPP;…
Các lãnh đạo, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cam kết sẽ cùng nhau hỗ trợ để hội nhập |
Ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng để có thể tận dụng cơ hội từ thách thức thì việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP là điều đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị, song song đó các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định FTA, trong đó có TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ, tuy nhiên phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP.
Về phía Chính phủ, theo ông Nestor Scherbey, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Với sự giúp đỡ từ các chuyên gia kỹ thuật, các cuộc điều tra được tiến hành để xác định cụ thể hàng hóa trung gian mà Việt Nam có thể sản xuất, cung cấp cho các công ty FDI để các sản phẩm xuất khẩu chính thức đủ điều kiện ưu đãi TPP.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại FTA và các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những trung tâm thông tin thương mại mới này nên tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài, nên dịch các tiêu chuẩn và yêu cầu nước ngoài, phổ biến thông tin này cho các doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, VTFA đang thiết kế một cổng thông tin thương mại B2B toàn cầu để cho các nhà sản xuất hàng Việt Nam tự đăng ký sản phẩm cũng như thông tin liên lạc của họ, miễn phí.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 năm tới
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng năm 2016, tác động của các FTA chưa lớn, kinh tế thế giới năm 2016 phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước đã xuất hiện những dấu hiệu khó hơn năm 2015. Nếu tiến trình tái cơ cấu triển khai quyết liệt thì sẽ phải đánh đổi tăng trưởng. Trong ngắn hạn, tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng đây là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Trong năm 2016, còn có sự chuyển giao lãnh đạo các cấp chính quyền, sẽ mất một thời gian để khởi động bộ máy mới. Từ những lý do trên, tăng trưởng năm 2016 chỉ ở mức 6,5%, thậm chí thấp hơn tùy thuộc vào kết quả của tái cơ cấu bốn nội dung trọng tâm và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đến giai đoạn 2017-2018, nhiều khả năng TPP sẽ có hiệu lực trong năm 2017, trừ FTA Việt Nam –EU, các FTA đã kết thúc đàm phán cũng sẽ có hiệu lực, tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng, kinh tế thế giới được dự báo tăng rõ hơn. Đây là những yếu tố bên ngoài thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Trong nước, bộ máy quản lý các cấp đã đi vào hoạt động ổn định, tạo động lực mới, phong trào khởi nghiệp sẽ mạnh hơn trong năm 2017, sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới, là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.
Có thể dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 và năm 2018 sẽ còn cao hơn, nhưng ông Tuyển cũng lưu ý dự báo chỉ nêu được xu thế để định hướng cho doanh nghiệp hành đông, thực tiễn có thể khác, doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình để có hành động phù hợp. |