Những khó khăn về kinh tế không chỉ diễn ra ở Indonesia mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các biện pháp phong tỏa được nhiều quốc gia áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu suy sụp.
Theo WB, là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Indonesia đã bị tác động rất nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, với hoạt động sản xuất hàng hóa bị ngưng trệ, nhu cầu sử dụng hàng hóa giảm kéo theo giá cả hàng hóa cũng giảm sút, ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực tiêu dùng và tạo ra sức ép nặng nề đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
WB đánh giá Indonesia là một trong ba quốc gia phải hứng chịu tổn thất nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ngân hàng này dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ gần như "đóng băng" trong năm 2020 và sẽ dần hồi phục vào năm 2021 với mức tăng trưởng khoảng 4,8%.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati, nhận định trong kịch bản tồi tệ nhất, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể chỉ đạt 0,4% trong năm 2020. Còn theo kịch bản khả quan hơn, Indonesia sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,3%.
WB cũng lưu ý rằng nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển có nguy cơ cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát, bởi hệ thống y tế của các quốc gia này dễ bị tổn thương hơn. Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển cũng có sự tham gia nhiều hơn trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả chuỗi cung ứng, du lịch và sự phụ thuộc vào giá cả hàng hóa và thị trường tài chính.
Đại dịch COVID-19 dường như đang tạm lắng xuống tại Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam. Nhưng tại một số quốc gia như Indonesia và Philippines dịch bệnh vẫn đang rất nghiêm trọng. Kinh tế Malaysia được dự báo tăng trưởng âm 3,1% trong năm nay, trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2021. Kinh tế Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng 1,9% năm nay và 6,2% vào năm 2021.