Kinh tế Việt Nam đang tiến từng bước trên con đường phục hồi kể từ sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III/2021 vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên sang đến năm 2022, nền kinh tế lại một lần nữa đối mặt với những thách thức lớn. Làn sóng lây nhiễm mạnh của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, cùng căng thẳng địa chính trị liên quan đến quan hệ Nga- Ukraine, đang là những thách thức hiện hữu đối với kinh tế Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, nhân sự kiện công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố", các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022, những khuyến nghị để nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn trong tương lai và những nhận định về triển vọng kinh tế trong giai đoạn 2022-2024.
COVID-19 và giá hàng hóa thế giới tăng cao: Hai thách thức chính trong ba tháng đầu năm 2022
WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. Dự báo này được đưa ra căn cứ vào chính sách sống chung với COVID-19, kết quả vững chắc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu và sự phục hồi nhu cầu trong nước.
Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, nhưng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, trên 78% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, nhưng nền kinh tế vẫn đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến thể mới phát sinh, tác động toàn cầu của việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
WB cho rằng kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III/2021 vì đại dịch COVID-19.
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng chiến lược "Sống chung với COVID-19" và mở cửa nền kinh tế từ quý IV/2021. Tuy nhiên, sang đến quý I/2022, Việt Nam lại trải qua một đợt lây nhiễm mạnh với sự xuất hiện của biến thể Omicron và bản thân nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng từ tác động toàn cầu do căng thẳng Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Aaditya Mattoo nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.
Theo đó, mặc dù tháng 10/2021, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2022 là 6,5% nhưng đến nay, dự báo này chỉ còn 5,3% và thậm chí là 4,0% trong một kịch bản xấu hơn.
Sự lây lan của biến thể Omicron, dẫn đến số lượng các ca nhiễm mới tăng cao, cùng thực tế là nền kinh tế đang phải nhập khẩu số lượng lớn dầu mỏ (chiếm tới 3% GDP) và kim loại, vốn là những nguyên vật liệu có môi trường giá cả đang tăng cao, là nguyên nhân chính khiến WB điều chỉnh giảm mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cải cách và lấy lĩnh vực dịch vụ làm trọng tâm
WB cho rằng trong trung hạn, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao sẽ phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo.
Năng lực thể chế của chính phủ trong việc đưa ra những cải cách chính mang tính cơ cấu sẽ là đòn bẩy quan trọng cho quá trình chuyển đổi tập trung vào xây dựng nền kinh tế chuyển đổi số, xanh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn.
Theo WB, trong năm 2021, bất bình đẳng trên khía cạnh tiền tệ và phi tiền tệ tại Việt Nam đã tăng. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng gia tăng bất bình đẳng do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhận định về những khuyến nghị nhằm giúp kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch, ông Aaditya Mattoo cho rằng mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia dành được nhiều lợi thế nhất, tận dụng được nhiều nhất các cơ hội để mở rộng thương mại toàn cầu, song chính điều đó lại khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Điều này có nghĩa là Việt Nam phải chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Ông Aaditya Mattoo cũng khuyến nghị Việt Nam cũng phải thận trọng hơn khi xem xét hệ thống tài chính.
Thực tế, các biện pháp tài chính ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải được nghiên cứu kỹ. Các biện pháp, chính sách của Việt Nam cho đến nay đã giúp Việt Nam có thể đi xa hơn và cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cần nâng cao vị thể của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu vào lúc này.
Bình luận về quan ngại rằng những bất ổn trên toàn cầu hiện nay tác động tới các dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và giải pháp thu hút đầu tư quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ 6 - 6,5% trong năm nay, ông Aaditya Mattoo cho rằng Việt Nam là một quốc gia rất thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong suốt nhiều năm qua và nước này đã rất thành công trong việc cải thiện vị trí, vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này giúp Việt Nam đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng tốt và giảm tỷ lệ nghèo đói xuống mức thấp so với những năm trước. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp để phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tạo thêm động lực cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Triển vọng trong tương lai
WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định quanh mức 6,5% trong kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước.
Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước, lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang chững lại. Ngoài ra, triển vọng này còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng.
Tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại do căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Các yếu tố này có thể trở nên trầm trọng hơn nếu phát sinh thêm biến thể COVID-19 mới.
Các chuyên gia của WB cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nhu cầu tư nhân trong nước, vốn còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Giai đoạn lây nhiễm mạnh hiện nay có thể dẫn đến sự gián đoạn tạm thời của nguồn cung lao động và sản xuất. Vì nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn cần được nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng để kiểm soát rủi ro trong khu vực tài chính. Nếu kinh tế Việt Nam phải chịu thêm các cú sốc khác, một kịch bản xấu có thể xảy ra. Theo đó, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 4% trong năm 2022, trước khi phục hồi lại mức 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.
Tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, với giả định tăng trưởng GDP phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng tác động của khủng hoảng sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài và làm tăng bất bình đẳng. Bất bình đẳng gia tăng có thể dẫn đến những hậu quả về vốn con người và kinh tế cho đất nước.
Những tài sản đã bán đi sẽ không thể tạo ra thu nhập trong tương lai trong khi sự không đồng đều về chất lượng và tình trạng gián đoạn giáo dục trong suốt giai đoạn khủng hoảng COVID-19 sẽ để lại những hậu quả về tích lũy vốn con người và tiềm năng thu nhập trọn đời.