Xác định hướng đi và cây trồng chủ lực

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, việc xác định những loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh là điều rất quan trọng, nhất là khu vực có đa phần là dân cư nghèo, gặp khó trong phát triển sản xuất như Tây Nguyên, Tây Bắc.

Vùng Tây Bắc cần hướng đến chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ trong nông nghiệp.  Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN



Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc:Cần xây dựng những mô hình có hiệu quả

Năm 2015, các địa phương trong vùng Tây Bắc cần tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể chống đói nghèo, hướng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tích cực áp dụng khoa học công nghệ để phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phát triển một số cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Tây Bắc, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc xây dựng một số mô hình triển khai có hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cao hơn trong nông nghiệp. Công nghiệp rừng vẫn là lối ra quan trọng cho các địa phương miền núi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có đề án giúp các địa phương phát triển nghề rừng, chuyển giao kỹ thuật, hướng đến chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây: Đặt lợi ích người dân lên trên hết

Nếu phát triển cây mắc ca tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, điều cần làm là đồng bào dân tộc phải được chia sẻ những giá trị gia tăng về sau một cách bền vững. Vai trò của doanh nghiệp phải có ở tất cả các khâu, trước hết là giống, trong khâu giống, khâu chuyển giao kỹ thuật cũng rất quan trọng bởi cần làm sao để ra được ít nhất 2 tấn quả/ha thì mới có hiệu quả. Sau khi trồng phải thu mua chế biến, kinh doanh và tất cả các khâu phải có dấu ấn, vài trò của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tham gia tất cả khâu đó thì chuỗi giá trị mới thành công.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây giống và trồng cây mắc ca như Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La, Công ty giống cây trồng Ba Vì, Công ty cổ phần Mắc ca Điện Biên, Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) và các đơn vị, cá nhân khác đã lựa chọn sản xuất cây giống và trồng cây mắc ca. Nhưng doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư vào công đoạn chế biến, thu mua hoặc chung tay trồng cùng nông dân thì vẫn chưa thấy đâu. Thực tế hiện các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này còn khiêm tốn, vì vậy cần chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thu hút doanh nghiệp vào chuỗi giá trị này. Nếu không có doanh nghiệp tham gia thì chuỗi giá trị sẽ không thành công.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Phải tìm ra điểm nghẽn

Muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải trả lời được câu hỏi tại sao nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa có sự thay đổi về chất. Nguyên nhân là do thị trường méo mó, con người sản xuất kiểu khai thác tận kiệt, ăn xổi, không có động lực để tìm kiếm, xây dựng dài hạn, vì tất cả các điều kiện ở Việt Nam đều khiến người ta tìm kiếm đến những cái gì có lợi nhanh, trước mắt. Với cách làm hiện nay thì càng sản xuất nhiều càng thất bại. Do đó, phải tìm kiếm những điểm nghẽn trong chuỗi để tạo ra bứt phá và bứt phá đó chắc chắn phải từ thể chế, từ tư duy.

Nói cách khác, phải có tư duy, nhất định phải làm thị trường tốt hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Nội dung tái cơ cấu phải đi vào ngành, đi vào từng sản phẩm. Ví dụ, về mặt hàng chiến lược của quốc gia là lúa gạo, chúng ta đang có những doanh nghiệp nhà nước làm méo mó thị trường gạo do có bàn tay can thiệp của Nhà nước, khiến không thể chuyển đổi thị trường lúa gạo Việt Nam. Nếu có sự can thiệp của Nhà nước thì nhất thiết phải làm cho thị trường vận hành tốt hơn. Hay trong câu chuyện tích tụ đất đai, hiện chúng ta không có thị trường đất đai bởi sự can thiệp hành chính. Phải coi đất là tài sản của nông dân, là “bệ đỡ” đưa nông dân ra làm ngành nghề khác, để từ đó giúp cho việc tích tụ đất đai.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tái cơ cấu nông nghiệp cần theo 3 tuyến cấu trúc

Thứ nhất là sản phẩm, quan trọng nhất là sản phẩm phải gắn với đẳng cấp công nghệ, gắn với quy mô, vùng sản xuất. Nếu quy mô sản xuất nhỏ sẽ không thể tạo ra được sản lượng lớn, hàng hóa có chất lượng cao... để có thể hội nhập.

Thứ hai là chuỗi sản xuất, chuỗi đầu vào vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, chế biến thì chưa có nhiều, do đó cấu trúc chuỗi cần phải thiết lập thì nền nông nghiệp mới “an toàn”. Cuối cùng là cấu trúc chủ thể, hiện đang có mô hình liên kết “4 nhà”, nhưng trong đó phải coi doanh nghiệp là lực lượng tiên phong để dẫn dắt nông dân. Nhà nước phải cam kết cho doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trụ cột trong phát triển nông thôn, phát triển thị trường.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Trưởng phòng Giảm nghèo và Phát triển xã hội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam: Vai trò của Nhà nước là rất lớn

Phải làm sao dồn nguồn lực nhiều hơn cho ngành nông nghiệp, cho nông dân. Hiện năng suất lao động nông nghiệp ở Việt Nam rất thấp, do đó cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến vai trò của Nhà nước, Nhà nước phải đặt ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, từ đó định hướng, hướng dẫn nông dân sản xuất ra các sản phẩm có thể xuất khẩu.

Nhà nước vẫn chưa làm tốt vai trò của nhà quản lý trong việc mất cân bằng trong đầu tư vào ngành nông nghiệp, hay vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm... Với vai trò của mình, Nhà nước cần đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, nguồn lực đi đúng hướng. Đặc biệt, Nhà nước còn có vai trò như “bà đỡ” để thu hút doanh nghiệp đến với ngành nông nghiệp. Do vậy, vai trò của Nhà nước trong tái cơ cấu ngành cần được nghiên cứu kỹ hơn và trong từng công việc cụ thể.

Chí Bình


Lai Châu tìm đường  thoát nghèo từ nông nghiệp
Lai Châu tìm đường thoát nghèo từ nông nghiệp

Cuối năm 2014, tỉnh Lai Châu đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Lai Châu xác định phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với nền kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực, tạo bước đột phá, thoát khỏi yếu kém...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN