Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước - Bài cuối

Mùa khô là mùa cao điểm, người dân sử dụng nước hợp lý, có biện pháp tích trữ nước phù hợp và không nên tập trung sử dụng nước vào giờ cao điểm để đỡ căng thẳng cho những hộ sử dụng nước cuối nguồn.

SỬ DỤNG VÀ ĐIỀU TIẾT NGUỒN NƯỚC HỢP LÝ

Xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền không chỉ tác động đến sản xuất, cung cấp nước của các tỉnh ven biển tại Nam Bộ mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cung cấp cho TP Hồ Chí Minh. Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố đông dân nhất cả nước cần có các giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. 

Tiết kiệm nước triệt để

Trước tình hình lượng nước tích trữ trong hồ hiện thấp hơn so với cao trình năm 2015 là 263,74 triệu m3, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã phối hợp cùng Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) theo dõi chặt chẽ độ mặn trên sông Sài Gòn để đưa ra kế hoạch xả nước đẩy mặn một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất. Hồ Dầu Tiếng cũng đã chủ động chuyển nước từ hồ Phước Hòa về với lưu lượng ở đầu kênh chính từ 5 - 50 m3/s. Tính đến hết ngày 15/3/2016 tổng lượng nước chuyển qua hồ chỉ đạt khoảng 291,51 triệu m3.

Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa chủ động biện pháp tưới luân phiên giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh, Long An để tiết kiệm nước.Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, mùa khô là mùa cao điểm, nếu những hộ đầu nguồn tăng nhu cầu sử dụng hay sử dụng quá mức thì những hộ cuối mạng lưới có thể bị ảnh hưởng. Sawaco cũng kêu gọi người dân sử dụng nước hợp lý, có biện pháp tích trữ nước phù hợp và không nên tập trung sử dụng nước vào giờ cao điểm để đỡ căng thẳng cho những hộ sử dụng nước cuối nguồn. Đối với một số khu vực cuối nguồn, nếu xảy ra tình huống yếu nước cục bộ, Sawaco sẽ có phương án điều động xe bồn để cung cấp trực tiếp cho người dân.

Về lâu dài, Sawaco đã đề xuất và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng cung cấp nước sạch trên mạng lưới như: đầu tư nâng dung tích các bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước; đầu tư xây dựng các bể chứa nước sạch (bể ngầm) trên mạng lưới cấp nước... Các công trình này sẽ giúp nâng cao năng lực dự trữ và cung cấp nước sạch trong điều kiện khẩn cấp, đồng thời sẽ tăng áp lực nước cung cấp trên mạng lưới.

Đối với sản xuất, trước tình hình nguồn nước ngày càng khan hiếm, để giảm áp lực cho lượng nước trong hồ Dầu Tiếng đảm bảo phục vụ đẩy mặn cho lưu vực sông Sài Gòn, Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cùng các đơn vị đã chủ động đưa ra biện pháp tưới luân phiên giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Ninh, Long An nhằm tiết kiệm nước, đồng thời khuyến cáo nhân dân tiết kiệm, chống lãng phí nước trên đồng ruộng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, hạn chế nuôi trồng thủy sản để tránh thiệt hại…

Tìm nguồn thay thế

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về lâu dài, ngoài nguồn nước chính là nguồn nước mặt thì cần phải quan tâm về các nguồn khác như gom nguồn nước mưa, khai thác nước ngầm... để đảm bảo an toàn cấp nước. Không nên khai thác nguồn nước ngầm một cách triệt để mà phải tìm cách khai thác nước mưa để bổ sung vào trong nước ngầm.

Một số chuyên gia nhận định, TP Hồ Chí Minh phải duy trì và bảo vệ nguồn nước mặt, có phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý để bảo đảm chất lượng nguồn nước này trước nguy cơ bị ô nhiễm; có các giải pháp phi công trình để thích ứng lâu dài với biến đổi khí hậu.

Theo Phó Giáo sư -Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), TP Hồ Chí Minh phải gia tăng các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước của lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; khôi phục lại những vùng trũng mà trước kia cho rằng đó là vùng đất hoang thành khu dự trữ tạm thời để cung cấp nước sinh hoạt.

Về phía Sawaco, đơn vị cung cấp nước trực tiếp cho TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép thực hiện giải pháp xây dựng một hồ trữ nước thô trên sông Sài Gòn để có thể ứng phó với tình huống bị nhiễm mặn. Hồ dự trữ nước thô sẽ giúp cho các nhà máy nước chủ động trong việc lấy nước thô (lấy khi nước sông có chất lượng tốt), và dự trữ đủ lượng nước cung cấp liên tục cho các nhà máy kể cả trong trường hợp nguồn nước sông bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn; đồng thời đây cũng là công trình tiền xử lý để ổn định và nâng cao chất lượng nước thô cung cấp cho các nhà máy nước, giúp giảm chi phí xử lý nước. Về lâu dài, Sawaco cũng nghiên cứu phương án khai thác nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An để phục vụ cho cấp nước của thành phố.

Theo các chuyên gia, để thích ứng lâu dài trước tình trạng nhiễm mặn, TP Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà khoa học và đơn vị liên ngành để tìm kiếm nguồn nước thay thế. Bên cạnh khai thác nguồn nước mặt trên sông như hiện nay, thì việc khai thác, gìn giữ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm, xây dựng các hồ chứa, tăng cường các giải pháp thu gom và sử dụng nguồn nước mưa cũng cần được tính đến để đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố đông nhất cả nước.
Việt Âu
Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước - Bài 1
Xâm nhập mặn đe dọa nguồn nước - Bài 1

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình trạng xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai vẫn tiếp tục tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN