Làm giàu trên vùng đất khó
Mô hình trang trại của anh Nguyễn Văn Linh ở bãi Nguyệt Bàn, xã Cao Đức, huyện Gia Bình là niềm mơ ước của những người dân nơi đây bởi mức lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ 40 ha trồng các loại rau, củ, quả. Thành công của anh Linh là điều bất ngờ bởi nơi đây từng được xem là một "ốc đảo" bị bỏ hoang.
Anh Linh chia sẻ, năm 2008, trong một lần đi bẫy chim ở bãi Nguyệt Bàn, nhận thấy khu đất này thuận lợi cho việc trồng các loại rau củ quả nhưng lại bị bỏ hoang, rất lãng phí nên anh đã thuê lại toàn bộ diện tích để cải tại sản xuất với giá 100.000 đồng/sào.
Mất khoảng một năm thuê tàu phà chở máy móc, nhân công ra cải tạo đất, xây dựng trang trại, năm 2009, anh bắt tay gieo vụ cà rốt đầu tiên. Tuy nhiên, do mưa nhiều, nước sông dâng cao khiến toàn bộ diện tích chìm trong biển nước và mất trắng. Thất bại này được coi như một sự "trải nghiệm" để đúc rút kinh nghiệm.
Điều quan trọng nhất của người làm nông nghiệp là phải nắm chắc nguyên tắc "mùa nào thức ấy". Do đó, các loại củ như cà rốt, củ cải đường chỉ hợp với sản xuất vụ Đông. Bởi, mùa mưa nơi đây thường bị ngập nước nên chỉ phù hợp với những loại cây ngắn ngày - anh Linh nhận xét. Đến nay, gia đình đã nhân rộng diện tích lên 40 ha; trong đó, sản phẩm chủ lực là cà rốt và củ cải đường.
Từ thành công ban đầu, năm 2014, anh Linh đã liên kết với các hộ dân trong vùng để thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Mỹ Linh. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh. Hợp tác xã sản xuất trên 50 ha rau, củ quả các loại, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 160.000-170.000 đồng/ngày từ việc trồng, thu hoạch các loại rau, củ, quả.
Việc thành lập ra hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết được bài toán "được mùa, mất giá" ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ".
Tương tự, với mô hình nuôi cá thương phẩm, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Châu Cầu, xã Châu Phong, huyện Quế Võ thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Từ năm 2001, ông đấu thầu diện tích hơn 4 ha của xã để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi của Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, ông Chiến đã mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất, tăng thu nhập.
Theo ông Chiến, con giống, thức ăn và kỹ thuật nuôi là những yếu tố quyết định đến sự thành bại trong việc nuôi cá. Để có được giống "chuẩn", gia đình đã xây dựng ao nuôi cá giống giúp ông kiểm soát tốt nguồn giống từ khi thả đến lúc xuất bán.
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài, lấy trên bờ nuôi dưới nước", ông Chiến còn mở dịch vụ xe du lịch để tạo nguồn vốn quay vòng đầu tư, phát triển nghề nuôi cá. Hiện ông Chiến chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như trắm cỏ, mè, trôi bởi dễ thích nghi điều kiện sống và cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, gia đình thu khoảng 60 tấn cá với giá bán trung bình từ 30.000-32.000 đồng/kg, trừ chi phí vẫn lãi từ 300-400 triệu đồng.
Hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại
Bắc Ninh hiện có 223 trang trại và giá trị kinh tế từ trang trại chiếm 25% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Ông Đặng Công Hưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh khẳng định, phong trào phát triển kinh kế trang trại đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ chỗ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn. Từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi, từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, phát triển trang trại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là, chủ trang trại chưa tiếp cận được kênh vay tín chấp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít; sản xuất chưa thật sự bền vững; liên kết sản xuất, kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở mức thấp; đa số các trang trại còn thiếu kết nối với thị trường...
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Trị cho rằng, ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường và rủi ro cao nên hiệu quả sản xuất không ổn định. Các chủ trang trại thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong khi tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi lại gặp nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, thời gian vay chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất... Điều này khiến người dân không "mặn mà" với việc phát triển kinh tế trang trại.
Theo anh Nguyễn Văn Linh, điều trăn trở nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Hiện, trang trại của anh chưa có điện để sản xuất và nếu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao với hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại; đồng thời, xây dựng nhà sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản lại rất cần nguồn điện.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh cho phép bổ sung, thay thế chính sách hỗ trợ phát triển trang trại. Chẳng hạn như: hỗ trợ lãi suất với mức 4%/năm cho các trang trại vay vốn từ ngân hàng thương mại; hỗ trợ tập trung đất đai (hỗ trợ 1 lần cho trang trại thuê quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 50 triệu đồng/ha; góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là 50 triệu đồng/ha); hỗ trợ trang trại chăn nuôi (50% chi phí nhưng tối đa không quá 3 tỷ/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị phục vụ sản xuất); đối với hệ thống điện ngoài hàng rào, hỗ trợ 70% (tối đa không quá 200 triệu đồng), chủ trang trại đối ứng 30% cho chủ đầu tư.