Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam - Lào và biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Đây được xem là động lực thúc đẩy phát triển thương mại biên giới trong thời gian tới.
Khởi sắc kinh tế vùng biên
Theo Ban chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương, Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia dài khoảng 4.600 km. Ðến nay, toàn tuyến có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ, 21 lối mở và nhiều đường qua lại đang có hoạt động thương mại, đầu tư và ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính từ năm 2008 đến năm 2013 đạt trên 72 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trên 10%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới luôn chiếm tỷ trọng lớn so với tổng kim ngạch song phương giữa Việt Nam và 3 nước có chung biên giới. Điển hình như tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tỷ trọng này là 30% mỗi năm.
Ông Lê Biên Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cho hay, đến nay, trên cả ba tuyến biên giới có 285 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Hoạt động của mạng lưới chợ biên giới nhìn chung dần đi vào nền nếp, ổn định, tăng trưởng; về cơ bản đáp ứng nhu cầu cư dân biên giới. Bên cạnh đó, có 28 khu kinh tế cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Những năm qua, nhờ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, hạ tầng ở đây có chuyển biến rõ rệt. Các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu trước đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển đã trở thành trung tâm kinh tế thương mại năng động và là động lực phát triển của vùng biên giới, bảo đảm an ninh quốc phòng biên giới.
Tuy nhiên, ông Lê Biên Cương cũng chỉ ra một số tồn tại đặc thù trong quản lý thương mại biên giới hiện nay. Đó là việc quản lý, điều hành chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế chính sách chung về xuất nhập khẩu nên chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế riêng của loại hình thương mại biên giới. Chính sách thương mại các nước có nhiều lúc thay đổi nên hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa bị ảnh hưởng.
Tại các cửa khẩu, lối mở, nhìn chung hạ tầng còn hạn chế, một số khu kinh tế cửa khẩu thiếu vốn đầu tư, dự án dở dang nên thu hút đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại biên giới chưa thực sự khởi sắc.
Một góc Hội chợ thương mại Lào - Việt 2016. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Xây dựng chính sách linh hoạt
Theo Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, hiện tại hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia còn nhỏ lẻ, phân tán, dẫn tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải ký kết hợp đồng với nhiều đối tác để xuất nhập khẩu hàng hóa, gây lãng phí và khó khăn cho việc hình thành mối quan hệ lâu dài trong chuỗi cung ứng. Trong khi đó, kho bãi và dịch vụ kho bãi hiện mới đang trong quá trình ra đời và hoạt động, hầu hết là của các chủ hàng riêng lẻ tự phục vụ mình là chính chưa được tổ chức phát triển theo quy hoạch và hướng theo chuyên nghiệp, hiện đại.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu, nếu không có kho bãi thì sẽ luôn bị động, phụ thuộc, các doanh nghiệp thường xuyên phải kinh doanh theo kiểu ngắn hạn, từng thương vụ một. Do đó, nhu cầu về dịch vụ hậu cần (dịch vụ logistics), đặc biệt trong đó là dịch vụ về kho bãi phục vụ hoạt động xuất khẩu là cần thiết và cấp bách.
Vì thế, Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào và thương mại Việt Nam - Campuchia. Đề án được thực hiện dựa trên mục tiêu phát triển hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu đồng bộ, tích hợp trong dịch vụ logistics, từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết, lưu giữ và bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo quy hoạch của đề án, đến năm 2025, hệ thống kho bãi đáp ứng 100% nhu cầu về diện tích, sức chứa của hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu. 80% kho bãi cung cấp đủ các dịch vụ quan trọng và cần thiết cho quá trình tập kết, lưu giữ, chỉnh lý, bảo quản, xếp đặt, kiểm tra và làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới để đưa vào hoạt động ít nhất 1 kho bãi/khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo Vụ Thương mại biên giới và Miền núi, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia hiện có 19 khu kinh tế cửa khẩu, 18 cửa khẩu quốc tế, 20 cửa khẩu chính, trên 43 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn. Với đề án mới được phê duyệt, tại các cửa khẩu có quy mô xuất nhập khẩu lớn, triển vọng tăng trưởng cao mang tính ổn định thì hệ thống kho bãi sẽ được đầu tư có sức chứa lớn đa dạng về công năng, từng bước liên kết và hợp nhất thành các khu, cụm kho bãi tập trung, kiên cố và hiện đại.
Tại các khu vực cửa khẩu có lượng hàng hóa không lớn và thiếu tính ổn định sẽ tập trung xây dựng các kho bãi vừa, bán kiên cố, năng động về công năng và mục đích sử dụng, phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu của các thương nhân nhỏ lẻ và cư dân biên giới.
Các chuyên gia thương mại khẳng định, sở dĩ thương mại ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo có được những bước tiến đáng kể một phần quan trọng là do hệ thống cơ chế, chính sách về kinh tế - thương mại cơ bản đã được nghiên cứu, ban hành. Đây thực sự là công cụ điều chỉnh các hoạt động thương mại ở khu vực này đi đúng hướng, qua đó góp phần khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và cư dân trong khu vực tham gia vào hoạt động thương mại tại địa phương.