Để thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, tháo gỡ những khó khăn gây ách tắc trong giao thương, mới đây Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về kết quả của chuyến công tác này.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Trung Quốc có chính sách Zero-COVID?
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch rất rõ rệt, GDP quý I tăng 4,5% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua các dự báo.
Chính phủ và doanh nghiệp hai bên đều coi nhau là đối tác thương mại quan trọng. Gần gũi về địa lý, có chung đường biên nên có lợi thế về vận chuyển hàng nông sản cung ứng tới người tiêu dùng.
Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam có lợi thế so sánh trong sản xuất như: thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gia súc gia cầm…
Tuy nhiên, hạ tầng khu vực cửa khẩu của cả hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương, nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu. Nhiều mặt hàng có giá trị cao, có nhu cầu lớn vào thị trường Trung Quốc chưa được mở cửa như một số mặt hàng trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc gia cầm…
Tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu ngang bằng, thậm chí đã quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.
Xin Thứ trưởng chia sẻ về kết quả chuyến công tác vừa qua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam?
Tại các cuộc hội đàm với lãnh đạo chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã trao đổi cởi mở, chân thành và đều cam kết coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của hai tỉnh này.
Đối với nông sản, việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước có tính bổ trợ cho nhau. Như Vân Nam sở hữu rau củ quả ôn đới đối còn Việt Nam là nhiệt đới. Cũng có những mặt hàng có thể trùng nhau nhưng thực tế sản lượng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó là lợi thế so sánh giữa hai bên và là lợi thế rất lớn để thúc đẩy thương mại nông sản.
Trung Quốc có tuyến biên giới đường bộ rất thuận lợi cho Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa với 70% sản phẩm nông sản Việt Nam sang thị trường này bằng đường bộ. Đây là cửa ngõ để chúng ta đưa nông sản ta vào sâu trong nội địa của Trung Quốc. Đó là những thuận lợi để đẩy mạnh việc xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Hai tỉnh cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau đại dịch COVID cần phải kết nối chuỗi cung ứng nông sản. Hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức họp, hội nghị luân phiên thường niên vào tháng 11 hàng năm giữa hải quan tỉnh Quảng Tây, Vân Nam với các cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát, đánh giá kết quả hợp tác trong năm và định hướng triển khai trong năm tiếp theo.
Đồng thời, đồng ý với đề xuất là nên thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây; Hiệp hội doanh nghiệp nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp hai nước. Từ đó, xây dựng những chuỗi cung ứng nông sản bền vững.
Qua làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây, Cục Hải quan Côn Minh của tỉnh Vân Nam, hai bên đã thống nhất được rất nhiều vấn đề; trong đó, phía bạn sẽ xem xét tạo điều kiện để thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.
Hiện nay, nhu cầu hàng hóa của hai bên rất lớn, nhưng hạ tầng biên giới quá tải nên chính quyền hai bên cần quan tâm đầu tư cho hạ tầng để đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu.
Tỉnh Vân Nam cũng có nhu cầu cao các sản phẩm thủy sản. Hải quan Côn Minh đồng ý sắp tới sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở rộng danh mục các sản phẩm thủy sản và các loài thủy sản sống được xuất khẩu sang tỉnh Vân Nam. Sau chuyến đi này, Bộ Nông nghiệp cũng sẽ có kiến nghị với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Để giải quyết các vấn đề ách tắc cục bộ tại các cửa khẩu, hai bên thống nhất cử đầu mối thông tin liên lạc nhằm kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc trong thông thương hàng nông, lâm, thủy sản.
Đối với Việt Nam, Bộ sẽ giao cho Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường làm đầu mối để liên lạc thường xuyên như các cơ quan chức năng của phía bạn ở cửa khẩu, để kịp thời giải những vấn đề ách tắc.
Chuyến công tác này đã mang lại kết quả thực sự nổi bật trong việc tăng cường giao lưu, trao đổi với các cơ quan chức năng phía bạn, tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu thuận lợi giữa hai bên.
Hai bên nhất trí giao đơn vị đầu mối căn cứ ý kiến thống nhất tại cuộc hội đàm để khẩn trương trao đổi hoàn thiện tiến đến ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Chính quyền Quảng Tây, Vân Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vào 9/2023 nhân dịp Hội chợ Trung Quốc – ASEAN.
Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng cũng có đề xuất về việc mở thêm các cửa khẩu để tăng thương mại hàng hóa giữa hai bên. Với đề xuất này, các tỉnh có đánh giá gì?
Phía bạn hoàn toàn đồng ý nhưng có yêu cầu là làm sao có thể nâng cấp hạ tầng các cửa khẩu, đảm bảo theo đúng yêu cầu về xuất nhập khẩu chính ngạch. Phía bạn đề xuất nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh, sử dụng công nghệ số kiểm soát. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng ý hướng tới hải quan một cửa ở biên giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị hai tỉnh chuyển sớm đề án nâng cấp này để Bộ làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, các cơ quan Bộ Ngoại giao và trả lời. Tôi nghĩ đây là ý tưởng rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết ách tắc trong thông quan hàng hóa.
Qua chuyến công tác của Đoàn, theo Thứ trưởng cần khắc phục vấn đề gì nữa để thương mại nông, lâm, thủy sản hai bên tiếp tục được mở rộng hơn nữa?
Trong chuyến công tác có hai diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản ở tỉnh Quảng Tây và Vân Nam và đã có trên 100 doanh nghiệp của Trung Quốc và 20 doanh nghiệp Việt Nam theo đoàn đã trao đổi rất nhiều vấn đề để cùng hợp tác.
Qua đây cũng cho thấy, việc hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu tính bền vững. Đó là chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản an toàn và bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chuỗi cung ứng chưa được xuyên suốt còn đứt gãy nên các doanh nghiệp vẫn chủ yếu như bán lẻ và đi tìm mối, không có sự kết nối.
Đó không chỉ vấn đề xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói mà còn vấn đề logistics để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa hai bên. Khi hình thành chuỗi này, doanh nghiệp có thể đăng ký trước thời gian thông quan ở cửa khẩu, giảm nguy cơ gây ách tắc.
Chẳng hạn tại Trung Quốc, khi xe cách cửa khẩu khoảng 70 km, phía cửa khẩu đã bắt đầu làm thủ tục thông quan. Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng mô hình này thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề ách tắc tại cửa khẩu mà còn truy xuất được nguồn hàng hóa. Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải áp dụng thương mại điện tử, công nghệ số, kết nối với các cơ quan chức năng.
Tôi thấy cần phối hợp để xây dựng được chuỗi kết nối doanh nghiệp giữa hai bên trong xuất nhập khẩu. Trên cơ sở những chuỗi cung ứng nông sản này, các cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời nếu có vướng mắc. Qua đây, chúng ta cũng có thể nắm bắt được nhu cầu nông sản từ phía bạn. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước tạo cơ chế xây dựng chuỗi nông sản bền vững, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp hai nước.
Tôi kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước nói chung và 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam nói riêng trong thời gian tới sẽ tăng nhiều hơn nữa. Để đảm bảo việc tăng lên thì chúng ta phải xây dựng được chuỗi giá trị bền vững. Khi xây dựng được chuỗi giá trị sẽ duy trì được kết nối, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!