Theo đó, việc đánh giá sai diễn biến thị trường và văn hoá cạnh tranh không lành mạnh được xem là mấu chốt và cần có giải pháp.
Nhận định sai thị trường
Tình trạng giá cà phê tăng cao nhưng doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng để giao thời gian gần đây được ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cà phê Vĩnh Hiệp, phân tích, sản lượng cà phê thực tế niên vụ 2023 - 2024 và cả niên vụ 2024 -2025 sắp tới của Việt Nam đều thấp hơn tính toán. Quan sát thực tế cho thấy, những năm trước, giá cà phê thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao đã khiến một bộ phận nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên chuyển dần diện tích canh tác cây cà phê sang các loại cây trồng khác. Diện tích trồng cà phê ở các địa phương giảm nhưng chưa có thống kê cụ thể dẫn đến dự báo sai về sản lượng.
“Các thông tin cho rằng lượng tồn kho cà phê trong dân và đại lý còn nhiều không có cơ sở chắc chắn bởi với tâm lý của người dân, khi giá cà phê tăng từ dưới 50.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg chỉ trong vài tháng thì không ai dám dự trữ số lượng lớn. Chỉ có rất ít nông dân có nguồn thu khác còn trữ cà phê nhưng số lượng không nhiều. Nguồn cung cà phê nhân hạn chế có thể sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục tăng thêm và việc thu mua của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nửa cuối vụ càng khó khăn.”, ông Thái Như Hiệp nhận định.
Phân tích về lý do mua cao - bán thấp của doanh nghiệp ngành điều thời gian qua, ông Phạm Văn Công cho biết, những năm gần đây, một số nước có sản lượng điều thô lớn áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. Trong khi các nhà kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác và nhu cầu tiêu dùng giảm do lạm phát nên không tăng được giá bán, do vậy không tăng giá mua nhân điều.
Đối với ngành gạo, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), một số doanh nghiệp thiếu cập nhật thị trường và chủ quan dẫn đến dự đoán sai tình hình và bị hớ giá. Cụ thể, từ tháng 5/2023 VFA đã nghe thông tin và chia sẻ với các hội viên về khả năng một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn sẽ siết chặt xuất khẩu, đẩy giá gạo thế giới lên cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chủ quan, thấy giá gạo đang tốt nên vẫn ký hợp đồng bán ra. Đến khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu, giá gạo thế giới tăng vọt; cùng thời điểm doanh nghiệp đến hạn giao hàng bắt buộc phải mua vào khiến giá lúa gạo nguyên liệu trong nước tăng nhanh hơn cả giá gạo thế giới.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An, chia sẻ, trên thực tế phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có vùng nguyên liệu, không có hợp đồng cung ứng đầu vào nhưng đều phải kinh doanh theo phương thức “bán trước, mua sau”. Nghĩa là ký hợp đồng bán rồi mới thu mua lúa gạo nguyên liệu về chế biến, xuất khẩu. Nguyên nhân là phần lớn doanh nghiệp bởi doanh nghiệp không có đủ vốn để thu mua dự trữ trước mà phải tìm hợp đồng xuất khẩu để vay tín chấp ngân hàng. Tuy nhiên, khi vay được tiền rồi thì giá gạo mua vào đã bỏ xa giá bán. Tình trạng “đuổi bắt” này khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ nhưng không bán thì sợ mất mối khách hàng.
Mạnh ai nấy làm
Trong bối cảnh giá cà phê tăng “dựng đứng”, nhiều doanh nghiệp chế biến và cả doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bí khi đại lý, đơn vị thu mua tìm cách trì hoãn giao hàng, thậm chí hủy đơn hàng. Ông Nguyễn Đăng Miền, đại diện Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé Việt Nam luôn ưu tiên thu mua cà phê trong nước và đã xây dựng chương trình phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi giá cà phê tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến doanh nghiệp không còn cách nào khác phải nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác để duy trì hoạt động của nhà máy.
Một doanh nghiệp FDI có nhiều năm thu mua cà phê tại Tây Nguyên thì phản ánh, mặc dù đã ký hợp đồng cung ứng từ trước nhưng khi giá cà phê tăng, bên bán không tôn trọng điều khoản giao hàng theo quy định. Thực tế không phải đại lý không còn hàng mà muốn gây sức ép để nâng giá hoặc huỷ hợp đồng để chào hàng cho khách mới với giá cao hơn. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành cà phê Việt Nam với đối tác nước ngoài; lâu hơn sẽ đánh mất thị trường vào các quốc gia khác, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà còn cả với các nhà máy thu mua chế biến trong nước.
Với ngành điều, bên cạnh lý do khách quan, ông Phạm Văn Công cho rằng, một nguyên nhân khác đẩy giá điều thô lên cao là do doanh nghiệp Việt Nam không nắm được thông tin và cạnh tranh theo kiểu “tự đá vào chân nhau”. Cụ thể, vào đầu vụ, khi giá điều thô đang cao, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến ồ ạt mua vào, thậm chí giành nhau mua đẩy giá nguyên liệu lên cao. Ở chiều xuất khẩu, khi doanh nghiệp cần ra hàng để giảm tải kho, thu hồi vốn lại diễn ra tình trạng tranh bán nhân điều, tạo cơ hội để người mua ép giá xuống thấp.
Cũng như điều, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành gạo đã “âm ỉ” từ lâu. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã nhiều lần đề cập đến vấn đề thiếu văn hoá trong kinh doanh khiến cả ngành hàng chịu thiệt khi ra thế giới .Theo đó, những năm qua chất lượng lúa gạo Việt Nam được nâng cấp rất nhiều nhờ áp dụng các quy trình canh tác mới, sử dụng giống lúa xác nhận nhưng giá xuất khẩu vẫn tăng không đáng kể (trừ khi có biến động bất thường). Ngay cả phân khúc gạo thơm, gạo đặc sản Việt Nam cũng chưa được trả giá tương xứng với giá trị thực của nó.
Theo ông Phạm Thái Bình, nguyên nhân một phần đến từ văn hoá kinh doanh, cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp trong ngành. Khi thị trường xuất khẩu sôi động, doanh nghiệp sẵn sàng nâng giá mua cao hơn mặt bằng chung để gom cho đủ số lượng khiến các doanh nghiệp khác hoặc phải nâng giá theo, hoặc không mua được hàng; đồng nghĩa với việc chịu lỗ hoặc mất uy tín với khách hàng. Ngược lại khi thị trường trầm lắng, có doanh nghiệp chỉ vì muốn bán được vài lô hàng nên âm thầm chào bán giá thấp hơn, tạo cơ hội để khách hàng ép giá gạo Việt xuống thấp.
Bài cuối: Tạo dựng chuỗi liên kết có trách nhiệm