Đây là một trong những chương trình thuộc Đề án “Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, thời gian qua, số vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam khởi kiện rất nhỏ trong tương quan với các vụ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị kiện.
Không những thế, mức độ áp dụng các biện pháp thuế đối với hàng nhập khẩu còn ở mức thấp so với mức thuế rất cao mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải gánh chịu.
Tuy nhiên, do chưa thể bảo vệ tối đa lợi ích các ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu bị kiện phòng vệ thương mại là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp mất thị trường; lao động có nguy cơ mất việc làm.
Vì vậy, việc thực hiện báo cáo “Xây dựng Chương trình tổng thể về sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một số ngành sản xuất” là bước triển khai đầu tiên nhằm đồng bộ hóa các phân tích đánh giá tổng thể về thực trạng phòng vệ thương mại tại Việt Nam nhằm đề ra các nhóm giải pháp trong ngắn, trung và dài hạn.
Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại chia sẻ thêm, báo cáo này sẽ triển khai xử lý các vấn đề cụ thể về cơ chế, chính sách và thực hiện các chương trình, dự án mang tính trọng tâm, trọng điểm nhằm khơi thông, xử lý nhanh, có hiệu quả các điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp.
Đặc biệt, báo cáo ưu tiên xử lý điểm nghẽn về chính sách; tổ chức và tiếp cận tích cực hơn các nguồn lực cho phòng vệ thương mại cũng như đảm bảo thực thi hiệu quả các biện pháp này.
Do vậy, đối tượng thụ hưởng của chương trình là các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu; cán bộ của bộ, ban, ngành ở Trung ương có liên quan tới các vụ việc khởi kiện hoặc kháng kiện phòng vệ thương mại.
Ngoài ra còn có các ngành sản xuất liên quan tới chương trình gồm: sắt, thép, gang; hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất; phân bón và hợp chất ni tơ; chế biến gỗ; ngành thủy sản; nông sản.
Đặc biệt, chương trình sẽ lấy hội nhập quốc tế về kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động phát triển đồng bộ hành lang pháp lý, cơ cấu tổ chức và yếu tố con người nhằm tạo ra những thay đổi thực chất…
Theo kế hoạch, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Hơn nữa, rà soát, điều chỉnh và bổ sung chính sách nhằm đơn giản hóa, công khai quy trình, thủ tục; xây dựng hệ thống khai báo hàng hóa nhập khẩu trong những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại và kết nối với hệ thống hải quan một cửa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai báo.
Mặt khác, việc nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại cho ngành sản xuất trong nước và cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua việc phối hợp với các Sở Công Thương để triển khai Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập; Đề án đẩy mạnh áp dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.