Doanh nghiệp phải chủ động
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hiện có rất nhiều vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ tính riêng ngành thép, ngành này đã phải đối diện với 47 cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, chiếm tới 1/3 tổng số các vụ việc điều tra chống bán phá giá với hàng Việt; trong đó, năm 2018 có 13 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay có 2 vụ điều tra mới đối với Việt Nam là Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), do kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại dẫn đến nhiều doanh nghiệp thép của các quốc gia gặp khó khăn và thiệt hại…; đồng thời vấn đề liên quan đến xu hướng về bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại…
Các biện pháp phòng vệ hiện nay không đơn giản như trước mà được "núp bóng" dưới nhiều hình thức, lý do khác nhau như để bảo đảm an ninh quốc gia hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Cục Phòng vệ Thương mại cũng cho rằng, việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (chủ yếu là chống bán phá giá) đã ảnh hưởng rất lớn tới kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng Việt Nam. Điển hình như trường hợp Hoa Kỳ áp thuế đinh thép đã khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ 36 triệu USD giảm xuống còn 800 nghìn USD; Brazil áp thuế với lốp xe đạp cũng đã khiến kim ngạch xuất khẩu giảm từ 5,7 triệu USD xuống còn 578 nghìn USD...
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thiệt hại do các biện pháp phòng vệ từ các thị trường là rất lớn. Doanh nghiệp có thể sẽ bị giảm xuất khẩu và nặng hơn là mất thị trường. Song nếu doanh nghiệp Việt biết chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như các biện pháp, công cụ để kiện và chống kiện phòng vệ thì sẽ tránh được những rủi ro.
Ông Sưa cho hay, thời gian qua, trong rất nhiều vụ việc liên quan đến kiện phòng vệ thương mại, thép Hòa Phát là đơn vị phòng tránh tốt nhờ chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ, năng lực cạnh tranh của mình. Tập đoàn này đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu. Đồng thời, tích cực phản biện các lập luận của nguyên đơn và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, mới đây thép Hòa Phát “thoát” việc bị áp thuế tại thị trường Canada, không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU, hay phía Australia tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này...
Ngoài việc phối hợp trong các vụ kiện, đại diện các doanh nghiệp cũng cho hay, đẩy mạnh công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ cũng là yếu tố quyết định chiến thắng.
Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, với việc đầu tư khu liên hợp gang thép Dung Quất, Hòa Phát sẽ sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối. Điều này sẽ giúp Hòa Phát nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tối đa việc “dính” tới kiện lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.
Đồng hành từ chính sách
Để có thể nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp một cách phù hợp với các cam kết quốc tế, nỗ lực của riêng doanh nghiệp là cần thiết, nhưng chưa đủ. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự đồng hành từ chính sách của nhà nước, hỗ trợ từ bộ, ngành liên quan đến phòng vệ để bảo vệ thị trường, sản xuất trong nước.
Là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực thương mại, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành các cơ chế, hành lang về phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”.
Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại này nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần dựa trên việc nhận thức đầy đủ, vận dụng đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Chương trình nêu rõ các cơ chế, chính sách về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các ngành công nghiệp cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở các quan điểm này, Chương trình tổng thể về phòng vệ thương mại đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về phòng vệ thương mại; tăng cường thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, chương trình nâng cao năng lực sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành công nghiệp trong nước; nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại của các cơ quan quản lý Nhà nước và tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chương trình này thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phòng vệ, ngăn chặn hàng hóa gian lận, bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, ở hướng xuất khẩu, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có được sự hậu thuẫn về phòng vệ thương mại tốt hơn từ phía bộ, ngành.