Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam báo cáo tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, mặc dù bị tác động xấu do đại dịch COVID-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước vẫn thành lập mới 752 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác, đạt 30% kế hoạch.
Vì vậy, đến hết tháng 6/2020, cả nước có 25.282 hợp tác xã, tăng 2.002 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2019, thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. Nhiều hợp tác xã bị thiệt hại do đại dịch COVID-19 tự huy động nguồn lực để hồi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, do tác động khách quan từ dịch COVID-19, dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương, xâm nhập mặn cũng như biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng chậm. Hơn nữa, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại giảm trên 50% doanh thu dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì tư vấn và hỗ trợ thành lập mới 752 hợp tác xã, 10 Liên hiệp hợp tác xã và cơ cấu lại các hợp tác xã đang hoạt động. Ban hành quy chế, huy động nguồn lực để xây dựng 63 mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị ở các tỉnh, thành phố.
6 tháng cuối năm, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và nâng cao hiệu quả của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam theo Nghị quyết 18/NQ-LMHTXVN.
Theo đó, thành lập mới 5.000 tổ hợp tác, 2.500 hợp tác xã, 20 liên hiệp hợp tác xã, tỷ lệ hoạt động có hiệu quả đạt trên 60%, thu hút thành viên của hợp tác xã và tổ hợp tác tăng 10% so với năm 2019.
Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả chức năng và nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; trong đó, tập trung nghiên cứu, nắm bắt khó khăn của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để hỗ trợ, phản ánh với các cấp, các ngành tháo gỡ, nắm bắt và phản ánh tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Các đề nghị đáng chú ý như về chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 cần thể chế hóa đầy đủ, cụ thể chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW, Điều 6 Luật HTX năm 2012.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là .288 tỷ đồng như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về việc tham gia chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021-2030.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị được cử cán bộ lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức đề án "Phát triển Kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị được tham gia đầu tư phát triển hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại gắn với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2030 theo phương thức hợp tác công - tư.
Năm 2019-2020, sử dụng nguồn lực của chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được giao, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng 134 mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Về tổ chức Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 theo Kết luận của Ban Bí thư số 78 - KL/TW ngày 10/6/2020, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã đề nghị xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận Điều lệ thay thế Điều lệ hiện nay, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua. Đặc biệt, về thực hiện các nội dung, công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phát triển tổ hợp xã, hợp tác xã.
Từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Thông báo số 585/TB/T-VPCP ngày 19/12/2017 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 về việc tiếp tục tăng cường triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 276/TB-VPCP ngày 03/8/2018 tại cuộc họp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Theo tài liệu Liên minh Hợp tác xã nhận được, một số bộ ngành đã tích cực thực hiện các công việc được Thủ tướng giao, tuy nhiên đến nay, còn nhiều nội dung, công việc chưa được thực hiện như chính sách thuế ưu đãi cho hợp tác xã.
Cùng với đó, xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, chuyển đổi sang hình thức tổ chức khác; hướng dẫn xử lý các khoản nợ các tổ chức tín dụng của hợp tác xã khi giải thể, phá sản; hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã; tiền lương làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội đối với Chủ tịch Hội đông quản trị, Giám đốc Hợp tác xã...
"Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị các bộ, ngành rà soát đẩy nhanh tiến độ thực hiện để các chính sách phát triển trên sớm đi vào thực tế, giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển", Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kiến nghị tới Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Về kiến nghị này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, cho biết, vào ngày 2/7 tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương 6 tháng đầu năm 2020.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần đưa những vướng mắc khó khăn trong 5 năm qua vào báo cáo của mình. Từ đó, Văn phòng Chính phủ sẽ đề nghị, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xử lý các kiến nghị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững.
Tuy vậy, từ kết quả thực tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, quy mô nhỏ, rất cần nguồn lực, nhân lực để phát triển...
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đa dạng mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Muốn vậy, phải xây dựng cơ chế chính sách hợp lý để tháo gỡ khó khăn, giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.