Theo ông Lâm, thời gian qua, Tập đoàn đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện, kiểm tra, theo dõi và trả lời tất cả thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện.
Cụ thể, các Tổng Công ty Điện lực tăng cường các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, qua điện thoại hotline trong thời gian cao điểm nắng nóng. Tất cả các kiến nghị của khách hàng liên quan đến tiền điện được thực hiện trong vòng 24 giờ. Trường hợp khách hàng có thắc mắc về chỉ số công tơ, tiền điện lãnh đạo đơn vị khẩn trương kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời khi phát hiện có sai sót.
Bên cạnh đó, các Tổng Công ty Điện lực cung cấp cho báo chí thông tin dự báo về tình hình tiêu thụ điện tăng cao, khuyến khích tiết kiệm điện và an toàn điện, thông tin về chính sách mới đối với điện mặt trời trên mái nhà và đảm bảo điện mùa nắng nóng. Mặt khác, thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định.
Khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Giám đốc Công ty Điện lực trực tiếp chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong thời gian sớm nhất và không quá 24 giờ. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong thời kỳ cao điểm nắng nóng bằng các loa di động, trên các đài truyền thanh phường xã các tổ dân phố và các cơ quan thông tấn báo đài.
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa thông tin liên quan đến việc hoá đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng cao. Để dư luận hiểu rõ hơn về vấn đề này, EVN cho biết một số nguyên nhân chính làm cho hoá đơn tiền điện tăng cao.
Cụ thể, theo quy luật thời tiết, hàng năm tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Khu vực miền Bắc đặc biệt là Thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh cũng tăng theo.
EVN cho biết, theo dõi số liệu sản lượng điện tại thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy trong giai đoạn cuối tháng 3/2019, đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20/4/2019) tại Hà Nội và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày. Sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4/2019) tại TP Hồ Chí Minh. Mức sản lượng điện đỉnh về tiêu thụ này của TP Hồ Chí Minh cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay. Con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kWh ngày 6/2/2019).
Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Với mức tăng này thì số tiền sử dụng điện sinh hoạt của khách hàng theo bậc thang từ 50 kWh – 400 kWh như sau:
Bậc 1: từ 0 - 50 kWh, số tiền sử dụng điện của một hộ tăng thêm 7.095 đồng/tháng so trước thời điểm chưa tăng giá.
Bậc 2: từ 51-100 kWh, tăng thêm 14.465 đồng/tháng.
Bậc 3: từ 101-200 kWh, tăng thêm 31.625 đồng/tháng.
Bậc 4: từ 201 - 300 kWh, tăng thêm 53.185 đồng/tháng.
Bậc 5: từ 301 - 400 kWh, tăng thêm 77.275 đồng/tháng.
Trường hợp khách hàng sử dụng 400 kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.275 đồng/tháng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Tính đến ngày 26/4 vừa qua, riêng tại địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 22%.
Trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (20/3/2019), Tập đoàn đã nhận được các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, ngoài ra là các phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội, báo chí…. Các thắc mắc, kiến nghị đều được ngành Điện tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết kịp thời. Trong tổng số trên 108 nghìn yêu cầu liên quan đến hoá đơn tiền điện của khách hàng thì chủ yếu là yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện mới, tra cứu chỉ số và hoá đơn tiền điện, chỉ có trên 13 nghìn yêu cầu là các kiến nghị về chỉ số, hoá đơn. Tính đến ngày 26/4, các Tổng công ty Điện lực đã giải quyết trên 12,9 nghìn yêu cầu, đạt tỷ lệ 98,7%.
Trong bối cảnh việc cung cấp điện còn nhiều khó khăn do nhiều nguồn điện mới của các chủ đầu tư không thuộc EVN vào vận hành không kịp tiến độ, các nhà máy điện sử dụng nguồn sơ cấp có chi phí đầu tư thấp như thuỷ điện đã khai thác hết, việc tiêu thụ điện của Việt Nam chưa hiệu quả so với các nước trên thế giới (hệ số đàn hồi của Việt Nam cao) thì việc triển khai thực hiện các hoạt động tiết kiệm điện sẽ giúp giảm áp lực về việc đầu tư các nguồn cung cấp điện mới. Từ đó sẽ giúp giảm chi phí đầu tư toàn xã hội cũng như giúp giảm áp lực lên giá thành cung cấp điện đến các khách hàng.
Mặt khác, việc tiết kiệm điện sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng sức cạnh tranh nhờ giảm chi phí đầu vào thông qua việc ứng dụng và sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện thấp và sử dụng các thiết bị điện ở các chế độ hợp lý, hiệu quả.