Xây dựng gói ưu đãi cho từng lĩnh vực thu hút đầu tư

Với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, chất lượng, hiệu quả, hiện nay, các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư; trong đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đã đặt nhà máy sản xuất tại Vĩnh Phúc. Qua đó, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp tốt hơn nữa cho ngân sách địa phương.

Chú thích ảnh
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN

Đứng đầu là các nhà đầu tư Hàn Quốc với 183 dự án với số vốn đầu tư 1,9 tỷ triệu USD; Nhật Bản giữ vị trí thứ 2 với 48 dự án với số vốn đầu tư 1,1 tỷ USD; tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc) với 44 dự án, có vốn đầu tư 1,13 tỷ USD; Trung Quốc 42 dự án với số vốn là 7 triệu USD…

Hiện Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập; trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được 493 dự án đầu tư. Trong số này có 117 dư án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng số vốn đầu tư hơn 37.784 tỷ đồng và 376 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 6.742 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động.

Tận dụng lợi thế là mắt xích quan trọng trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao; trong đó, đặc biệt quan tâm thu hút lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chíp điện tử.

Theo thống kê, hiện nay, ngành nghề chủ yếu trong các khu công nghiệp Vĩnh Phúc là sản xuất linh kiện điện tử (185 dự án, chiếm 50% số dự án FDI), nhóm sản xuất lắp róa ô tô, xe máy (47 dự án, chiếm 12,8% số dự án FDI ) còn lại là linh vực dệt may và các ngành nghề công nghiệp khác.

Có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ cao hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Piaggio (Italia); Công ty TNHH North Stair Precision (Hoa Kỳ), Công ty TNHH Cammsys Việt Nam, Công ty TNHH Interflex vina (Hàn Quốc), Công ty TNHH De Heus (Hà Lan)…

Tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 450 nghìn tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu, tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại với doanh nghiệp và chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh còn chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp, nhất là những khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản…

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; trong đó, giải pháp quan trọng là thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh lập quy hoạch, xây dựng đề án về phát triển thêm khu công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về xác đinh giá đất, nguồn đất san nền cho các dự án; nghiên cứu xây dựng một số gói ưu đãi cho từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp.

Nguyễn Thảo (TTXVN)
Xóa bỏ rào cản, tạo đột phá thu hút đầu tư vào ngành điện
Xóa bỏ rào cản, tạo đột phá thu hút đầu tư vào ngành điện

"Giá điện chưa phù hợp với cơ chế thị trường", bất cập trên được chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN