Xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ cả nước mới chỉ dừng ở khâu gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cho rằng, cần phải có cơ chế và lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành này trong thời gian tới.

Báo cáo từ Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho hay, hiện ngành chế tạo ô tô tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5 - 20%; ngành điện tử từ 5 - 10%; da giày, dệt may 30%; ngành cơ khí chế tạo khoảng 15 - 20%. Đặc biệt, chỉ có 0,3% trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây thực sự là con số khiêm tốn khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Thực trạng này đang khiến cho nhiều ngành nghề trong nước phải chịu cảnh phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Kết, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí sản xuất thiết bị Đoàn Kết cho rằng, với vốn yếu, cơ sở vật chất còn lạc hậu so với các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, thì cộng đồng doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp của Việt Nam rất cần các chính sách hỗ trợ cụ thể và có lộ trình rõ ràng của Chính phủ.

Cần phải có cơ chế và lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

“Doanh nghiệp không chỉ cần đến những hỗ trợ như vốn ưu đãi, thuế phí…; mà đơn giản chỉ cần có hỗ trợ về mặt bằng phục vụ cho việc sản xuất cũng đã là tốt rồi. Đơn cử như việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vưào các cụm công nghiệp địa phương nhằm đảm bảo mặt bằng sản xuất, an toàn cho môi trường…, nhưng cũng đã là rất khó. Doanh nghiệp rất mong muốn nhưng không thể chen chân vào được.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp phải “tư bơi”, tự tìm hiểu cả về công nghệ, định hướng phát triển thị trường, thiết kế sản phẩm và tìm đầu ra cho sản phẩm…, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Đoàn Kết cho biết thêm.

Cũng theo Chủ tịch HANSIBA, ông Nguyễn Hoàng, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội và cả nước mới dừng ở gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, công nghệ vẫn còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang bị cạnh tranh rất quyết liệt bởi các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải thu hẹp, chuyển hướng sản xuất, thậm chí phải dừng sản xuất, phá sản.

Ông Nguyễn Hoàng cũng đề nghị, cần sớm có Luật Công nghiệp hỗ trợ và xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành này. Bởi đây là ngành nghề nền tảng, là cơ sở để phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng "Bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt chuẩn", đảm bảo rõ ràng, cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất khác nhau, phù hợp yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Đồng thời xác định ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hình thành phát triển khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu… Từ đó, sẽ tạo thành chuỗi liên kết phát triển các doanh nghiệp.


Với số lượng ít ỏi, chỉ khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ tiêu chuẩn, thì rất cần Chính phủ đưa ra những chính sách ưu đãi cho những đầu tư ban đầu, để tác động trực tiếp đến doanh nghiệp như vốn vay, công nghệ và đào tạo nhân lực…,

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), một giải pháp quan trọng và thiết thực hơn để vực dậy các doanh nghiệp ngành, là Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ rõ nét hơn cho cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ.

Đơn cử bằng việc tổ chức nhiều hơn các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các khu, cụm công nghiệp để sản xuất một cách tập trung hơn, tạo được sức mạnh liên kết, đoàn kết các doanh nghiệp nhỏ với nhau… Ngoài sự vào cuộc của nhà quản lý, thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất tốt để có giá cạnh tranh…

Đức Dũng (TTXVN)
Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực hơn 2 tháng nay (1/8/2017). Theo đó, có nội dung quan trọng đề cập tới việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những đối tượng được hưởng lợi nhờ chính sách này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN