Huyện Ba Vì (Hà Nội) đã hình thành được vùng sản xuất chè chuyên canh, tập trung ở các xã miền núi và đồi gò với tổng diện tích gần 2.000 ha. Mỗi năm, người trồng chè Ba Vì đưa ra thị trường trên 14.000 tấn chè búp tươi. Trong đó, sản lượng chè xuất khẩu ra các thị trường như Nga, Nhật, Trung Quốc, Anh... chiếm 50-60%.
Nông dân trồng chè và các cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn huyện Ba Vì đã đầu tư kinh phí, trang bị gần 2.800 máy vò, sao chè, đưa sản lượng chè búp khô được chế biến ngay tại huyện đạt gần 800 tấn/năm. Riêng xã Ba Trại, xã miền núi của Ba Vì, có gần 500 ha chè, 9/9 làng được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè với tổng thu nhập từ cây chè của xã hàng năm luôn đạt xấp xỉ 7 tỷ đồng.
Các giống chè được trồng tại Ba Vì hầu hết là chè trung du lá nhỏ, chè PH, chè Ô Long… Để chè thơm ngon, người trồng chè phải chú ý ngay từ khi chọn giống, chăm sóc và chất đất; khâu chăm sóc cũng cần chú ý chọn loại phân bón và thời điểm bón phù hợp, lượng nước tưới được điều chỉnh tùy theo từng vụ chè trong năm. Khâu chế biến thành phẩm cũng đòi hỏi kỹ thuật sao chè, lấy hương cẩn thận.
Nhằm giữ vững thương hiệu chè đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi của Việt Nam), tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Các hộ trồng chè đã làm quen với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp đối với chè búp tươi từ khâu lựa chọn địa điểm trồng, lựa chọn giống và gốc ghép, quản lý đất trồng, giá thể, bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất, quản lý, sử dụng chất thải cho đến cách thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người trồng chè còn được hướng dẫn, thực hiện cách ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... tạo điều kiện cho việc chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn VietGAP.
Thanh Trà